Nửa năm đã trôi qua kể từ khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố “chiến thắng hoàn toàn” ở thành phố miền Bắc Mosul, dấu mốc cho sự sụp đổ hoàn toàn của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.

mosul_4_umir_pbwa.jpg
Quân đội Iraq tuyên bố những tên khủng bố IS cuối cùng đã bị quét sạch hoàn toàn khỏi toàn thành phố Mosul. Ảnh: Reuters

Những người dân sống sót tại Mosul - thành phố lớn thứ 2 Iraq, vẫn đang bất kể ngày đêm đào bới dưới đống đổ nát hoang tàn của thành phố để tìm kiếm thi thể của người thân, những người đã không không may mắn chờ đợi được đến ngày chiến thắng. Tuy nhiên, với những người ở lại, chiến thắng này không dành cho họ.

Nấm mồ khổng lồ bên dưới chiến thắng

Quân đội Iraq được hỗ trợ từ các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã giải phóng hoàn toàn Mosul, chấm dứt gần 3 năm IS chiếm đóng thành phố này. 

Theo Đơn vị Tuyên truyền chiến tranh của Quân đội Iraq, 1.429 dân thường và 30.000 chiến binh đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự quy mô lớn mà các lực lượng Iraq phát động.

Tuy nhiên, cuộc điều tra trong nhiều tháng do hãng thông tấn Mỹ AP tiến hành lại cho kết quả: Từ 9.000 đến 11.000 dân thường đã thiệt mạng tại Mosul, 2/3 trong đó là nạn nhân của các cuộc không kích do lực lượng liên quân chống khủng bố tiến hành.

Lầu Năm Góc đã bác bỏ những thống kê của AP. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon trong cuộc phỏng vấn với CNN đã nói: “Tại sao chúng ta không thảo luận chi tiết về các quy trình đánh giá thương vong. Không như IS, chúng sử dụng người dân thường làm lá chắn sống, lực lượng liên quân cố hết sức để giảm nguy cơ thương vong cho người dân thường. Chúng tôi sử dụng công nghệ để đảm bảo các cuộc không kích chuẩn xác nhất có thể”.

Trong khi đó, người đứng đầu hội đồng Mosul ông Abdul Sattar al-Habbo cung cấp cho phóng viên CNN và AP con số 9.000 người được thông báo mất tích. Phần lớn những người này được nhìn thấy lần cuối cùng tại Thành Cổ ở phía Tây Mosul và được cho là đã bỏ mạng tại đây. Tháng 6 năm ngoái, lực lượng Iraq bắt đầu đánh vào Thành Cổ - quận cuối cùng còn nằm trong tay IS. Thời điểm đó, đà tấn công của quân đội Iraq liên tục bị chậm lại khi khu vực này rất đông dân cư, địa hình là các đường phố nhỏ hẹp và chằng chịt. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo IS có thể giữ hơn 100.000 dân thường làm “lá chắn sống” ở khu vực này.

Những gì còn sót lại tại Thành Cổ. Ảnh: CNN

Khoảng từ tháng 8-11 năm ngoái, sau khi IS đã bị đánh bại tại Mosul, cơ quan y tế  địa phương đã tiếp nhận 3.000 thi thể. Chính phủ Iraq đã thành lập một Ủy ban điều tra vụ việc này. Dù vậy, tất cả đều không bù đắp được nỗi đau và sự mất mát của người dân Mosul.  

“Rồi tất cả sẽ lại phủ nhận sự liên quan của mình. Có lẽ không nơi nào trên Trái Đất này chịu tàn phá kinh hoàng như tại Mosul. Thành Cổ đã bị phá hủy hoàn toàn, không gì còn sót lại”, một người dân nói.

Người dân địa phương ước tính vẫn còn hàng nghìn thi thể đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát của thành phố. Hàng ngày vẫn có thêm những thi thể được tìm thấy, được bổ sung vào danh sách dài các nạn nhân vô danh. Trong đó, có thi thể của những đứa trẻ, mà bên cạnh vẫn còn món đồ chơi quen thuộc và trên gương mặt vẫn còn dấu vết của sự kinh hoàng. Đây chỉ là một phần trong số 10 nghìn người đã thiệt mạng sau cuộc chiến kéo dài 9 tháng để giành lại Mosul từ tay IS.

Chiến thắng không thuộc về người dân Mosul

Những con số biết nói có thể khiến cộng đồng thế giới chấn động, xót xa, song với người dân còn sống sót tại Mosul, họ hiểu rằng chính họ đã "thua" trong cuộc cuộc chiến với IS. Cái giá phải trả cho cuộc chiến này cho thấy chiến thắng không thuộc về họ.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Donal Trump đã cam kết “dội bom đưa IS trở về địa ngục của chúng” và ngay khi lên nắm quyền cam kết này đã được thực hiện. Iraq đã mừng như bắt được vàng với sự hỗ trợ của Mỹ vì thời điểm đó quân đội nước này phải hứng chịu thương vong khổng lồ trong những tháng đầu của trận chiến với IS. Chỉ huy chiến dịch giải phóng Mosul của quân đội Iraq Najim al-Jubouri cho biết: “Chúng tôi được hỗ trợ không kích nhiều hơn dưới thời Donald Trump so với chính quyền Mỹ tiền nhiệm của Barack Obama”. 

Cảnh tượng hoang tàn đổ nát của thành cổ là bằng chứng rõ nhất về những chiến dịch không kích không nương tay và cả trận chiến ác liệt dưới mặt đất. 

Những người dân còn sống sót kể lại thời khắc kinh hoàng trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Mosul, khi cả gia đình họ bị giết hại ngay trong ngôi nhà của mình, bị IS đưa ra làm lá chắn sống trước chiến dịch tấn công dữ dội của Iraq và lực lượng liên quân.

Nỗi ám ảnh về cuộc chiến trên gương mặt của người phụ nữ này. Ảnh: CNN

Dọc bờ sông Tigris bên trong Thành Cổ, tất cả gần như bị san phẳng. Vẫn còn một vài tòa nhà trụ lại được, nhưng dấu vết của bom đạn vẫn còn hằn nguyên trên các mảng tường còn sót lại. Đứng trên đống đổ nát trước đây từng là ngôi nhà của mình, anh Saed Jerjis chia sẻ rằng, anh cũng như những người còn sót lại tại Thành Cổ không thể nhìn thấy cái gọi là chiến thắng. Chiến thắng không thuộc về người dân Mosul.

Nhiều ý kiến đã chỉ trích Mỹ và lực lượng liên quân không kích “bừa bãi” trong chiến dịch Mosul, gây thương vong cho người dân vô tội. Để tiêu diệt một tên khủng bố IS, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phải bắn một quả rocket trị giá hàng triệu USD và phá hủy hàng chục ngôi nhà. 

Chiến thắng được đánh đổi bằng mạng sống của người dân Mosul.Song việc đánh bại IS tại Iraq lại mang tính biểu tượng quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, với những đóng góp từ liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu./.