Xoay chuyển “Abenomics” theo hướng nào?

Khả năng lớn nhất và gần như chắc chắn là sự điều chỉnh trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thay những biện pháp khắt khe tái cấu trúc bằng kích cầu tiêu dùng. Chính phủ của ông Abe sẽ tìm cách để người dân có nhiều tiền hơn nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước, qua đó lấy lại đà tăng trưởng cho kinh tế Nhật Bản.

abe_2_urbs.jpgThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt một bông hoa vào tên của một ứng cử viên chiến thắng cuộc bầu cử Hạ viện (ảnh: Bloomberg)
Phát biểu tại cuộc họp về chính sách giữa chính phủ và các bộ liên ngành ngaỳ 5/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập đến khả năng một gói kích cầu kinh tế trị giá 18.600 tỷ yen (khoảng 181,6 tỷ USD), vốn đã được Chính phủ “bật đèn xanh” từ giữa năm 2014.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh gói kích cầu này sẽ góp phần chấm dứt tình trạng giảm phát và khôi phục tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á này.

Trong gói kích cầu này, chính phủ sẽ dành khoảng 5.500 tỷ yen thúc đẩy công cuộc tái thiết tại Tohoku, khu vực bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa kép động đất-sóng thần hồi năm 2011, và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội Olympic Tokyo năm 2020.

Trong khi đó, khoảng 1.400 tỷ yen sẽ được sử dụng vào việc tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản, bao gồm các khoản khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, khoảng 3.100 tỷ yen cũng sẽ được dành hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima mau chóng ổn định cuộc sống.

Phần còn lại của gói kích cầu sẽ được dùng hỗ trợ người có thu nhập thấp, cho vay mua nhà, tạo việc làm cho phụ nữ, thanh niên và người già, đồng thời giúp chính quyền các địa phương phát triển các dự án công và trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ.

Chính phủ Nhật Bản sẽ phải huy động thêm ngân sách cho ngân sách tài khóa năm nay nhằm cung cấp vốn cho gói kích cầu mới. Ngoài ra, Nội các Nhật Bản cũng quyết định triển khai kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 1.000 tỷ yen nhằm khuyến khích các hãng chú trọng tới chính sách đầu tư và tăng lương cho người lao động.

Theo báo cáo của Capital Economics(Anh), chính sách kích cầu kinh tế mới của Nhật Bản từ khi manh nha đã hứng chịu va đập của 2 luồng dư luận mà những nhận định bi quan đang ở thế áp đảo. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kích thích chi tiêu bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ chẳng khác nào “liều thuốc độc” với món nợ ngân sách ngày càng phình to của Nhật Bản.

 Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Marcell Thieliant của Capital Economics cho rằng: khả năng mở rộng cơ sở tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã được đề cập từ tháng 7/2014 và mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng  như vậy. Hậu quả ai cũng có thể nhìn thấy song đó vẫn là dự đoán. Kinh tế Nhật Bản đã từng phát đi những tín hiệu tích cực nhờ Abenomics và với thắng lợi của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), giới đầu tư và thị trường chứng khoán Nhật Bản đang có hy vọng trở lại.

Cùng quan điểm này, AP dẫn lời GS Gerry Curtis ở Đại học Columbia (Mỹ):“Kết quả bầu cử 2014 không thể mang lại đột phá. Đánh giá của cá nhân tôi là chúng ta có khả năng sẽ chứng kiến những điều chúng ta đã thấy, với những cải cách từng phần ít nhiều đi đúng hướng, nhưng tương đối chậm”.

“Con bài” dân tộc chủ nghĩa

Chiến thắng của Đảng LDP của Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản được cho là đồng nghĩa với thắng lợi của chính sách dân tộc chủ nghĩa.

Chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ dưới thời Thủ tướng Abe (ảnh: The Diplomat)
Ngay từ khi ông Abe trở lại chính trường Nhật năm 2012, giới phân tích đã nhìn nhận chính sách dân tộc là “con bài” lợi hại của ông Abe, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, dùng ý chí Nhật Bản để chấn hưng kinh tế.

Ở góc nhìn khác, The Diplomatnhận định: chính sách can dự, “chuyển lửa ra ngoài” này là cơ hội để người dân bỏ qua những bất mãn về kinh tế.

Câu hỏi về chính sách can dự của Nhật Bản liệu có được đẩy mạnh trong những năm tiếp theo khi ông Abe là người được cho có khả năng tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 9/2015, mở ra cơ hội “giữ ghế” Thủ tướng tới 2018?

Dư luận đang dõi theo những bước đi tiếp sau động thái diễn giải lại Hiến pháp của Thủ tướng Abe hồi tháng 7, mà theo đó lực lượng vũ trang nước này sẽ được quân sự hóa, chuyển từ chính sách tập trung phòng thủ sang chiến lược tấn công. Chiến thắng của ông Abe trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua được cho là tiếp thêm sức mạnh cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Bắc Kinh đang dõi theo những động thái của ông Abe sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Còn với chính phủ Hàn Quốc, chiến thắng này được cho là đồng nghĩa với hy vọng tiến triển trong quan hệ song phương.

Tân Hoa xã bình luận chiến thắng của đảng LDP cũng như Thủ tướng Abe là hết sức “kỳ lạ” trước vô vàn chỉ trích về chính sách kinh tế đang gây suy thoái lẫn căng thẳng trong xã hội Nhật Bản.

Bản thân Bắc Kinh cũng không lấy gì làm thoải mái với kết quả này khi chính phủ của ông Abe được cho là “tại vị” lâu hơn hẳn những người tiền nhiệm. Điều này đồng nghĩa với sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc và chính sách “cứng rắn” với Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ, điển hình là tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, cho dù ông Abe đã có cuộc tiếp xúc cấp cao với chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng trước.

Theo nhà nghiên cứu Yang Bojiang, Phó Giám đốc Học viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc: quan hệ Trung – Nhật trong tương lai ra sao đang phụ thuộc hết vào động thái của ông Abe.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 15/12 lên tiếng: “Chúng tôi đang chờ đợi những động thái từ phía Nhật Bản củng cố quan hệ ngoại giao song phương trên cơ sở ổn định chính trị và một nhìn nhận đúng đắn về lịch sử”./.