Sự kiện thu hút sự quan tâm của cả thế giới trong ngày 30/6 là khi Tổng thống Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Cuộc gặp lịch sử đầy bất ngờ này được đánh giá là bước đi nhỏ, nhưng bước tiến lớn trong việc cải thiện mối quan hệ luôn sóng gió giữa hai bên. Tuy vậy, thực tế cho thấy để nhận được chiếc chìa khóa mở kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên - một trong những mục tiêu đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ là một con đường đầy chông gai và thách thức phía trước.

trump_kim_dmz_behi.jpg
Tổng thống Trump bắt tay Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên phần đất của Triều Tiên. Ảnh: MPR news

“Tôi chưa bao giờ nghĩ gặp ông tại nơi này”. Đây là điều mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định khi có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Khu Phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Cuộc gặp bất ngờ diễn ra sau một loạt các dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây, khi nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên có các bức thư tay trao đổi lẫn nhau và đều chứa những thông điệp tích cực. Một trong những kết quả lớn nhất của cuộc gặp hôm qua đó là hai bên sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, dự kiến trong tháng này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Chúng tôi đã đạt được bước tiến tại Hà Nội. Với cuộc gặp mới nhất, chúng tôi đã đạt được bước tiến mới với các cuộc thảo luận để đánh giá liệu có một con đường rõ ràng thúc đẩy tiến trình hiện nay. Các cuộc đàm phán có thể diễn ra trong tháng 7, có lẽ là 2 hay 3 tuần tới và có thể là giữa tháng này. Các nhóm làm việc cũng đang tích cực chuẩn bị cho điều này”.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận, với đánh giá “thời khắc đặc biệt” này sẽ  “mở ra tương lai mới” cho mối quan hệ song phương.

Chuyên gia phân tích Teng Jianqun - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Trung Quốc nhận định: “Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên phát đi 1 tín hiệu mạnh mẽ rằng hai nước sẵn sàng hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như duy trì động lực các bước tiến gần đây. Các nhóm làm việc đang được thiết lập và Tổng thống Donald Trump đã mời Nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Washington, là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy hai nước tiếp tục hợp tác”.

Mỹ được cho là có 3 mục tiêu chính đối với Triều Tiên. Trước tiên đó là loại bỏ mối lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Bước tiếp theo đó là đạt được Hiệp ước hòa bình lâu dài chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và thứ 3 đó là chuyển đổi mối quan hệ của Mỹ với Triều Tiên.

Với mục tiêu thứ 3 này, Tổng thống Trump đã đạt được kết quả lớn với cuộc gặp hôm qua tại Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Các cam kết được đưa ra, những cái bắt tay hữu nghị, các câu nói đùa vui vẻ cùng với sự rầm rộ của truyền thông thế giới đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên đang có sự thay đổi, đặc biệt là mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên. Cuộc gặp cũng mang lại hi vọng mới về tiến trình đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ giữa hai bên.

Mặc dù vậy, thăng trầm trong mối quan hệ Mỹ-Triều luôn chứng minh một thực tế rằng để đạt được bước tiến lớn hướng đến phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ không dễ dàng. Có quá nhiều việc phải làm, cùng với các bất đồng không dễ hóa giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Chính điều này cũng đã khiến bánh tàu đàm phán bị trật khỏi đường ray tại Hội nghị Hà Nội vào tháng 2 vừa qua. Các tuyên bố gần đây cũng cho thấy khó có khả năng Triều Tiên sẽ trao chìa khóa cho Mỹ để mở kho vũ khí hạt nhân của nước này. 

Nếu mục  tiêu của Tổng thống Trăm đó là dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể gây nguy hại cho an ninh nước Mỹ thì nỗ lực của ông phần nào đó đã được đền đáp. Và sau cuộc gặp ngày 30/6 tại khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên cho thêm nhiều hi vọng rõ ràng hơn, với câu chúc của Tổng thống Donald Trump dành cho Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegunn “Xin chúc may mắn, Steve”./.