Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang vướng vào những tranh cãi với Washington và cả hai đều muốn tìm kiếm đòn bẩy cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

xi_jinping_kim_jong_un_euqj.jpg
Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế. Ảnh: AP.

Trong thông báo chính thức, chuyến thăm của ông

nhằm tăng cường mối liên lạc và trao đổi chiến lược giữa hai nước. Về mặt không chính thức, chuyến thăm được cho là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhà lãnh đạo Mỹ.

Đối với ông Tập Cận Bình, cuộc gặp với ông Kim Jong Un là cách tốt nhất để nhắc nhở Tổng thống Trump – người khởi xướng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hai nhà lãnh đạo này sẽ có cuộc gặp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới. Cần phải nhớ rằng, Trung Quốc được cho là nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với Triều Tiên.

Đối với ông Kim Jong Un, rõ ràng ông cần đến sự trợ giúp của ông Tập Cận Bình để hướng tới mục tiêu bấy lâu nay: giải thoát khỏi các lệnh trừng phạt.

Những mong đợi từ cuộc gặp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, Triều Tiên đang đi đúng hướng khi không tiếp tục tiến hành thử hạt nhân; hạn chế các thử nghiệm tên lửa, không phóng tên lửa liên lục địa…và vì thế Bình Nhưỡng xứng đang được nới lỏng trừng phạt. Hôm 18/6, tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc cùng với Nga đã trì hoãn yêu cầu của Mỹ đòi tăng hình phạt đối với nhập khẩu nhiên liệu của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bị tố vi phạm các lệnh trừng phạt trước đó.

Cả ông Tập và ông Kim có thể tận dụng sự chú ý của truyền thông quốc tế đối với cuộc gặp lần này để chứng minh với ông Trump rằng họ cũng là những nhà đàm phán thành thạo. Ông Tập và ông Kim đã gặp nhau 4 lần trước đó. Điều này chính là một lời nhắc nhở, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu và là đồng minh quan trọng bậc nhất của Triều Tiên.

Giáo sư Andrei Lankov, giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul và từng có thời gian nghiên cứu tại Bình Nhưỡng nhận định, có thể trong chuyến thăm lần này, ông Tập sẽ thúc đẩy việc duy trì hiện trạng trên Bán đảo Triều Tiên và tìm cách để sử dụng Bình Nhưỡng làm đòn bẩy trong việc giải quyết xung đột thương mại Trung-Mỹ hiện nay.

Đòn bẩy giải quyết chiến tranh thương mại?

Chuyến thăm Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, ông Tập dự kiến sẽ có cuộc gặp với ông Trump bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản để tìm ra giải pháp cho cuộc thương chiến hiện nay.

Việc Chủ tịch Trung Quốc lựa chọn thời điểm này để thăm Bình Nhưỡng được cho là phần nào nhằm gửi đi thông điệp rằng nếu Mỹ muốn Trung Quốc giúp đỡ trong việc giải quyết thách thức từ Triều Tiên thì họ sẽ phải có những nhượng bộ nhất định trong tranh chấp thương mại.

Nhà phân tích Lee Seong-hyon tại Viện Sejong ở Hàn Quốc cho rằng ông Tập muốn gửi thông điệp tới Mỹ rằng Trung Quốc cũng có vai trò lớn trong mục tiêu hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên và rằng Washington không nên đánh giá thấp đóng góp của Bắc Kinh.

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ tháng 2/2019 sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội không có được kết quả khả quan.

Cho rằng mỗi cuộc gặp của lãnh đạo Trung-Triều thường được tiến hành trước cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều, một số chuyên gia suy đoán rằng, sau chuyến thăm của ông Tập tới Bình Nhưỡng lần này, có thể sẽ có một cuộc gặp Trump-Kim lần thứ 3. Nếu đó là sự thật, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Kim hôm nay (20/6) cũng là lời nhắc nhở với ông Trump rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có khả năng làm thất vọng bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Sứ mệnh đưa Triều Tiên thoát khỏi trừng phạt của ông Kim

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, Chủ tịch Kim Jong Un đã nỗ lực thực hiện sứ mệnh của mình là đưa đất nước Triều Tiên thoát khỏi các lệnh trừng phạt vốn làm nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong những năm đầu tiên cầm quyền, ông Kim tập trung vào việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Sau khi đã thu được kết quả nhất định, ông Kim quyết định chuyển hướng sang phát triển kinh tế và lấy chính những thành tựu trong phát triển vũ khí làm công cụ đàm phán.

Trong bối cảnh kinh tế Triều Tiên đang gặp muôn vàn khó khăn, hồi đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc đã phát tín hiệu sẵn sàng giúp đỡ đồng minh lâu năm. Trên thực tế, Trung Quốc đã góp phần ngăn chặn thành công việc Hội đồng Bảo an ra tuyên bố cho rằng Triều Tiên vi phạm giới hạn nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ hàng năm, tránh cho Bình Nhưỡng bị trừng phạt bổ sung.

Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho rằng, với việc mời ông Tập Cận Bình thăm Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un tạo cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc thể hiện vai trò trung gian hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Triều Tiên cũng đang mong Trung Quốc sẽ chuyển hàng viện trợ lương thực cho nước này./.