Cuộc xung đột tại Syria đến thời điểm hiện tại trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn khi ngày 20/2 vừa qua, hàng trăm chiến binh thân chính phủ Syria tiến vào khu vực Afrin – nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Việc triển khai các tay súng tới Afrin đã đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2012, lực lượng thân Chính phủ Syria nắm giữ các cứ điểm tại khu vực do YPG kiểm soát này. Động thái trên là kết quả của thỏa thuận đạt được giữa chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad với lực lượng người Kurd ở Afrin.

syrianarmy3432_flqb.jpg
Lực lượng thân chính phủ Syria tiến vào Afrin. Ảnh: Kurdistan.

Vì đâu người Kurd cầu viện chính phủ Syria?

Lực lượng người Kurd tại Afrin đang phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do Chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hơn 1 tháng qua. Hãng tin Anadolu cho biết, lực lượng pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục bắn phá các cứ điểm của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) cũng không kích dữ dội trận địa của các đơn vị YPG quanh thành phố Afrin và trong khu vực phía tây quận Jandaris.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, liên minh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đánh chiếm được 72 địa bàn khác nhau từ lực lượng YPG trong khu vực Afrin thuộc lãnh thổ Syria kể từ khi bắt đầu chiến dịch “Nhành Ôliu” ngày 20/1 vừa qua, “vô hiệu hóa” 1.780 tay súng người Kurd.

Trước những đòn tấn công mạnh như vũ bão từ bên kia biên giới, người Kurd dường như đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng, buộc phải tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài để bảo toàn lực lượng. Họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cầu viện chính phủ Syria. Dù từ trước đến nay, lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và chính phủ Syria luôn ở thế đối đầu song ở thời điểm hiện tại một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vẫn còn tốt hơn là việc nhượng bộ và chấp nhận thỏa thuận đình chiến với Thổ Nhĩ Kỳ với các điều khoản không hề có lợi cho người Kurd.

Nguyên nhân thứ hai là người Kurd đang thiếu vắng sự hỗ trợ của Mỹ. Nói cách khác là Mỹ đang “bỏ mặc” hai đồng minh chiến đấu tại Afrin. Tờ Washington Post dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng, Mỹ không cảm thấy bắt buộc phải bảo vệ Afrin vì khu vực này không phải là mục tiêu cho cuộc chiến chống IS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh "Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO và là quốc gia duy nhất duy nhất trong khối đối mặt với tình trạng nổi dậy bên trong biên giới. Và Thổ Nhĩ Kỳ có những quan ngại về an ninh hợp lý”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hmaidi Abdullah – một chuyên gia chính trị Syria cho biết, chiến dịch quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một diễn biến chưa từng có trong cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu các tay súng người Kurd và chính phủ Syria đạt được một thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Syria tại Afrin thì chiến dịch này có thể kết thúc.

Nằm trong kế hoạch của Nga

Hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào cứ điểm của  lực lượng thân chính phủ Syria tại Afrin diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhờ Nga can thiệp ngăn chặn đà tiến của lực lượng này.

Anthony Skinner - chuyên gia phân tích chính trị của Verisk Maplecroft nhận định,  sự hiện diện của lực lượng thân chính phủ Syria tại Afrin là một phần trong kế hoạch của Moscow, buộc Damascus và Ankara ngồi vào bàn đàm phán. Mục tiêu hàng đầu của Nga tại Syria là tăng cường quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad cũng như mở rộng diện tích lãnh thổ quân đội Syria kiểm soát để làm suy yếu Mỹ và chia rẽ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).

“Buộc Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với chính phủ Syria sẽ là một thắng lợi cho Điện Kremlin. Hiện nay, Nga đang nắm giữ nhiều con bài quan trọng và biết điều khiển luật chơi để tạo lợi thế nghiêng về mình”, ông Anthony Skinner nhấn mạnh.

Oner Bucukcu, nhà phân tích tại Trường Đại học Afyon Kocatepe, Thổ Nhĩ Kỳ  cho rằng, với sự can thiệp của Nga, tình hình sẽ không vượt tầm kiểm soát và một cuộc đối đầu trực diện giữa quân đội Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó diễn ra.

Chính phủ Syria có nhân cơ hội này để lấp đầy khoảng trống quyền lực?

Lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn tại Afrin và lực lượng thân chính phủ Syria cùng đứng trên một chiến tuyến chống lại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy có sự thay đổi lớn trong cục diện chính trị tại Syria. Giới quan sát nhận định đây là một diễn biến quan trọng và cực kỳ có lợi cho chính phủ Syria. Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad không mặn mà lắm với người Kurd mà mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là duy trì sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh, ổn định đất nước. Một thỏa thuận đạt được về sự hiện diện quân sự tại Afrin sẽ giúp chính quyền ông Bashar al-Assad dễ dàng đạt được mục tiêu của mình

Kamal Alam, một chuyên gia phân tích quân sự khác cho biết, người Kurd yêu cầu chính phủ Syria hỗ trợ chống lại chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria đáp lại rằng sự toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu, chỉ quân đội Syria mới có quyền hoạt động tại Afrin, chứ không phải quân đội của một quốc gia bên ngoài khác. Nếu quân đội Syria can thiệp vào thế cuộc, Thổ Nhĩ Kỳ tất yếu không có sự hợp pháp để hiện diện tại Afrin và sẽ phải rút về bên kia biên giới.

 "Có một điều rất rõ ràng là quyết tâm giành lại từng ki lô mét lãnh thổ của chính quyền Syria. Đó là câu chuyện thực tế tại đây", cựu đại sứ Anh tại Syria Peter Ford nhận định. “Điều mà chính quyền Syria đang làm ở Afrin là một bài học, một bài học cho người Kurd về việc họ có thể dựa vào ai khi rơi vào tình thế khó khăn". 

Afrin là khu vực chiến lược, hiện do Các đơn vị Tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát, nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đưa quân vào Afrin sẽ giúp chính phủ Syria kiểm soát được một khu vực quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua, sau khi giành thắng lại trước Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hơn nữa, thỏa thuận này sẽ giúp chính quyền Tổng thống Basa gây dựng ảnh hưởng đối với lực lượng người Kurd, ngăn chặn “một giấc mơ tự trị” tại khu vực biên giới cũng như giảm bớt sự ảnh hưởng của Mỹ.

Huseyin Bagcı - chuyên viên phân tích quan hệ quốc tế tại Đại học Kỹ thuật Trung Đông nhấn mạnh, “Thật khó để đoán biết những kiểu liên minh nào sẽ hình thành trong cuộc xung đột tại Syria. Đối với người Kurd, dù nghiêng về bất cứ bên nào thì họ cũng phải chấp nhận sự nhượng bộ và cái giá họ phải trả sẽ rất đắt.”

Mỹ đang yếu thế

Nhà phân tích quân sự Kamal Alam cho rằng, liên minh tiềm năng giữa lực lượng người Kurd và chính phủ Syria có thể tạo ra “tảng băng lớn” trong quan hệ giữa của Washington với người Kurd, vốn từ trước đến nay luôn được coi là cái cớ để Mỹ can thiệp vào tình hình tại Syria.

Mỹ hiện giờ đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, bị đồng minh người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ “ngoảnh mặt quay lưng”, cũng như đối đầu với Nga và Iran trên chiến trường Syria. Mỹ từng khẳng định, sự hiện diện quân sự của nước này tại khu vực phía bắc Syria là để giúp lực lượng người Kurd tại đây chống khủng bố. Một khi không còn khủng bố trên đất nước Syria và lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad hiện diện khắp mọi nơi thì Mỹ sẽ chẳng còn lý do gì để tiếp tục chiến dịch quân sự ở quốc gia Trung Đông này.

“Mỹ đang theo dõi tình hình với thái độ đầy lo lắng, không chỉ bởi thấy được sự tái hợp giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran mà còn bởi người Kurd lâu nay vốn được coi là đồng minh trung thành của Mỹ lại cầu viện và thỏa hiệp với chính phủ Syria. Và một khả năng nữa cũng có thể xảy ra đó là chính phủ Syria có thể tham gia trục Iran-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hình thành một bộ tứ quyền lực”, chuyên gia Chris Bambery cho biết./.