Tương lai của ông sẽ ra sao sau những bê bối này?

Từ nhiều tháng nay, dư luận đã xôn xao về những cáo buộc nghiêm trọng đối với nhà lãnh đạo Italy Berlusconi trong giai đoạn cầm quyền của ông. Phiên tòa đầu tiên hôm 28/2 tập trung vào các cáo trạng đối với tội gian lận thuế của Tập đoàn truyền thông Mediaset của Thủ tướng Berlusconi trong vụ mua bản quyền phát sóng truyền hình các bộ phim Mỹ thông qua hai công ty nước ngoài.

Vào đầu tháng 4 tới, ông Berlusconi sẽ tiếp tục đối mặt với một phiên xử khác liên quan đến việc ông đã trả tiền để quan hệ tình dục với một vũ nữ tuổi vị thành niên tại một hộp đêm và đã lạm dụng quyền lực trong việc giúp cô gái này không bị cảnh sát giam giữ vì nghi ngờ tội trộm cắp.

Trên thực tế, các phiên tòa xét xử liên quan đến ông Berlusconi lẽ ra đã diễn ra từ năm 2010. Song nó bị đình chỉ sau khi Quốc hội Italy thông qua đạo luật cho phép thủ tướng nước này được hưởng quyền miễn truy tố khi còn tại nhiệm. Tuy nhiên, hồi tháng 1 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Italy đã ra phán quyết bác bỏ điều khoản miễn trừ này.

Có thể thấy rằng, đây là thời điểm hết sức khó khăn đối với Thủ tướng Berlusconi khi chịu rất nhiều sức ép từ đối nội, đối ngoại cho tới vấn đề cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù các phiên tòa xét xử được nối lại, nhưng đó sẽ là tiến trình dài và cũng không dễ để kết tội nhà lãnh đạo này, bởi kể từ lúc tham gia chính trường năm 1974 đến nay, ông Berlusconi nhiều lần bị cáo buộc mà chưa lần nào bị kết án.

silvio-berlus.jpg

Lần này ông Berlusconi có "thoát hiểm"?

Tuy nhiên, dù gì thì những bê bối thời gian qua cũng làm xấu đi hình ảnh nhà lãnh đạo Berlusconi. Theo kết quả thăm dò, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Berlusconi chỉ trên dưới 30% và làn sóng biểu tình yêu cầu Thủ tướng từ chức xuất hiện trên đường phố Italy.

Điều đáng nói là khi uy tín của Thủ tướng sụt giảm thì tương lai của chính phủ cũng lao đao. Hiện nay, phe đối lập tại Italy đang tranh thủ các vụ tai tiếng để hạ thấp uy tín chính quyền Berlusconi nhằm thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm tại nước này.

Thêm vào đó, những bê bối của Thủ tướng sẽ dẫn tới “lục đục” trong nội bộ Đảng Nhân dân tự do cầm quyền. Đảng này vốn đã gặp phải khó khăn lớn bởi không nắm giữ đa số phiếu tại Hạ viện sau khi Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini cùng với khoảng 40 nghị sĩ rút khỏi liên minh cầm quyền vào cuối năm 2010.

Trong bối cảnh này, ông Berlusconi lại phải chống đỡ với một loạt thách thức trong và ngoài nước. Đầu tiên phải kể đến những khó khăn về kinh tế. Vừa qua, Italy đã thi hành các biện pháp kinh tế khắc khổ để tránh rơi vào tình trạng suy sụp về tài chính như Hy Lạp hay Ireland. Song nền kinh tế nước này vẫn tiếp tục bất ổn với khoản nợ công đã lên mức kỷ lục - hơn 1.800 tỉ euro. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người dân Italy đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Khó khăn của chính phủ Italy sẽ nhân lên gấp bội khi nước này đang có nguy cơ bị “tràn ngập” bởi làn sóng nhập cư trái phép sau những bất ổn ở Trung Đông - Bắc Phi.

Thủ tướng Berlusconi từng nổi tiếng với những lần “thoát hiểm ngoạn mục” trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Italy. Song những thách thức mới đang khiến chiếc ghế quyền lực của ông lung lay hơn bao giờ hết./.