Việc Mỹ tuyên bố đã có bằng chứng về việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào phe đối lập cùng với những phát ngôn của giới chức Nhà Trắng cho rằng Chính phủ Syria đã vượt qua “giới hạn đỏ” khiến dư luận không khỏi lo ngại về sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria có thể không chỉ là lời nói suông. Tuy nhiên, theo phân tích của giới quan sát, mục tiêu mà Mỹ đặt ra là ngăn chặn cảnh đổ máu ở một đất nước đang chìm trong nội chiến là một nhiệm vụ không dễ dàng, nếu không nói là “bất khả thi”.

homs-syria-tr.jpg
Mỹ thận trọng cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria (Ảnh: Reuters)

Nhận định của giới quan sát có vẻ như sát với thực tế khi trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 23/4, đích thân Tổng thống Obama yêu cầu thận trọng và cho rằng cần thu thập thêm bằng chứng xác thực về việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Động thái này trái với những tuyên bố trước đó của ông Obama khi nói rằng việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột Syria sẽ làm "thay đổi cuộc chơi" và có thể khiến Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria.

Một số chuyên gia cho rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ nếu thực hiện có thể sẽ phải kéo dài, chứ không chóng vánh, gọn ghẽ như cuộc tấn công của phương Tây ở Libya. Một số ý kiến khác cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào của Hoa Kỳ cũng sẽ gặp thất bại.

Giám đốc điều hành Công ty tình báo toàn cầu Stratfor (Mỹ), George Friedman, viết trên trang web của công ty, đại ý nói rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ rốt cuộc chỉ đơn giản là đưa một lực lượng khác tham gia vào cuộc chiến ở Syria chứ không thể ngăn chặn sự đổ máu tiếp diễn trên chiến trường này.

Friedman quả quyết, "Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây của mình không đủ năng lực để chấm dứt đổ máu ở Syria. Nếu cứ cố, rốt cuộc họ sẽ là những người phải chịu trách nhiệm mà không đạt được bất kỳ mục tiêu nào”.

Qua hai cuộc chiến tranh mệt mỏi ở Iraq và Afghanistan, người Mỹ đã hiểu ra rằng phá hủy một đất nước dễ dàng hơn việc áp đặt nền dân chủ kiểu phương Tây lên quốc gia đó, chưa nói là không thể áp đặt được.

"Có nhiều vấn đề mà Mỹ không thể dùng đến sức mạnh quân sự để giải quyết, một trong số đó là xây dựng nền dân chủ lập hiến bằng cách xâm lược", Friedman nói. 

“Ngăn chặn cuộc nội chiến ở Syria bằng sử dụng "sức mạnh áp đảo", sẽ dẫn đến “thương vong áp đảo”. Họ không thể thay đổi văn hóa chính trị của một quốc gia từ bên ngoài, trừ khi họ phá hủy nó như đã làm với Đức và Nhật Bản", Friedman nói.

Tuy rất cẩn trọng để tìm kiếm thêm các bằng chứng về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria, nhưng mặt khác, chính quyền Obama vẫn luôn để mắt tới mọi động thái của quốc gia này, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán về kế hoạch thiết lập một vùng cấm bay ở Syria do Mỹ khởi xướng. Kế hoạch này có thể bao gồm các cuộc không kích nhằm phá hủy các địa điểm có chứa vũ khí hóa học hay tấn công phá hủy các máy bay chiến đấu cũng như các vị trí đặt pháo hạng nặng của Syria.

Tuy nhiên những kế hoạch này không hề dễ dàng chút nào. Theo Học giả của Viện Trung Đông (nguyên Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ), Wayne White, khi trao đổi với Tân Hoa xã cho biết hệ thống phòng không của Syria đủ khả năng gây khó khăn cho phi công và máy bay NATO. Học giả này cũng lưu ý rằng hầu hết các mục tiêu quan trọng của Syria đều ở sâu trong nội địa, khiến phi công của Mỹ hoặc đồng minh dễ bị rơi vào hệ thống phòng không của họ. Khác với đặc điểm địa lý của Libya, phần lớn dân số Libya sống dọc theo bờ biển, do đó khi máy bay gặp vấn đề phi công sẽ dễ dàng thoát khỏi không phận của nước này. Hơn nữa, một vùng cấm bay không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công gây chết người bằng vũ khí hóa học của Syria, ông Wayne White nêu rõ.

Các kế hoạch khác có thể đặt ra là việc bắt tay với một số đối tác để cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân mà không có liên hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan, nhưng kế hoạch này cũng sẽ gặp phải một loạt rào cản. Theo Học giả Wayne White, đa phần các nhóm nổi dậy có thể sử dụng được đều gia nhập nhóm phần tử Hồi giáo cực đoan. Đặc biệt khi họ đã công khai liên kết với al-Qaeda thời gian qua, thì không có gì có thể ngăn cho vũ khí không rơi vào tay của các chiến binh Hồi giáo./.