Ngày 6/5, đã xảy ra cuộc đụng độ thứ 2 giữa quân đội Afghanistan và Pakistan tại khu vực biên giới tranh chấp chỉ trong vòng 1 tuần qua.
Người biểu tình Afghanistan hô vang khẩu hiệu chống Pakisan. (ảnh: AP) |
Trong khi cả Afghanistan và Pakistan vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về các cuộc đụng độ này, vụ việc được cho là có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa 2 quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ và gây cản trở tiến trình hòa bình tại Afghanistan.
Bộ Nội vụ Afghanistan tuyên bố, phía Pakistan đã bắn vào các trạm cảnh sát biên giới tại huyện Gosta của Afghanistan và cảnh sát biên giới Afghanistan đã nhanh chóng nổ súng đáp trả. Afghanistan cũng đã triệu Đại biện lâm thời Pakistan Shah Nazar Afridi tới để trao công hàm “phản đối mạnh mẽ cuộc tấn công vô cớ của các lực lượng Pakistan bằng cả vũ khí hạng nặng lẫn hạng nhẹ nhằm vào các lực lượng Afghanistan gần đường biên giới sáng 6/5. Kabul cảnh báo Islamabad sẽ gánh hậu quả khôn lường nếu tiếp tục để xảy ra “các cuộc tấn công vô cớ” ở khu vực biên giới.
Cùng ngày, hàng nghìn người dân Afghanistan đã tổ chức biểu tình phản đối vụ đụng độ biên giới và kêu gọi bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ Pakistan.
Đáp lại những tuyên bố cứng rắn của Afghanistan, Pakistan đổ lỗi cho Afghanistan khi cho rằng, chính các binh sĩ nước này đã nổ súng trước. Islambad cũng kêu gọi Kabul kiềm chế và tiến hành hòa giải trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước đồng minh quan trọng của Mỹ đang suy yếu trong thời gian gần đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Ahmed Chaudhry nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng vấn đề biên giới Pakistan và Afghanistan cần được giải quyết. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế. Chúng ta cần phải nhận ra thực tế rằng các trạm kiểm soát biên giới là cần thiết cho hoạt động quản lý biên giới, nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp qua biên giới. Do đó chúng tôi hi vọng các trạm kiểm soát này sẽ là một vấn đề giúp thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia chứ không phải là nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột”.
Pakistan vốn được cho là đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định tại Afghanistan trong bối cảnh lực lượng liên quân đang chuẩn bị rút quân về nước vào cuối năm sau. Mỹ và nhiều quốc gia khác tham chiến tại Afghanistan cũng đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng châu Á này, như một bước đi giúp củng cố tiến trình hòa bình mà Mỹ đang theo đuổi tại Afghanistan. Tuy nhiên, những xung đột và bất đồng thường xuyên xảy ra giữa Kabul và Islamabad xung quanh các vấn đề biên giới được xem là đã làm suy yếu mối quan hệ giữa 2 đồng minh thân cận của Mỹ và có thể gây phương hại tới triển vọng hòa bình tại Afghanistan. Các nhà chức trách Afghanistan đã nhiều lần yêu cầu Pakistan không sửa chữa cửa khẩu Gursal trên biên giới thuộc huyện Gosta, vì cho rằng một phần cửa khẩu này nằm trên lãnh thổ Afghanistan song Islamabad vẫn “phớt lờ” những cảnh báo này.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, NATO đã thúc giục Kabul và Islamabad đưa các vấn đề biên giới lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Kabul, Người phát ngôn NATO cho biết: “Tất cả các quốc gia có liên quan đến tình hình căng thẳng xung quanh vấn đề biên giới, mà cụ thể trong trường hợp này là Afghanistan và Pakistan, cần đưa các vấn đề xung đột biên giới lên LHQ hoặc HĐBA LHQ. Cộng đồng quốc tế sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm giải quyết những xung đột như thế này”.
Có thể thấy, trong khi Mỹ và NATO đã bắt đầu tiến trình rút các lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan, những cuộc đụng độ gần đây giữa Afghanistan và Pakistan lại như một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực nhằm hướng tới một triển vọng hòa bình tại quốc gia Nam Á. Do đó, thay vì tiếp tục bất đồng xung quanh các vấn đề biên giới, Kabul và Islamabad cần tăng cường những cái bắt tay trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, vốn đang là rào cản lớn nhất đối với sự ổn định tại cả 2 quốc gia châu Á này./.