Phương Tây đã khá im ắng trước chiến thắng của quân đội Syria ở Palmyra hồi tuần trước nhưng có lẽ với đà này, họ sẽ phải tự đặt câu hỏi “Ai sẽ giúp Syria thoát khỏi sự hoành hành của IS?”.

Iran, đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad chúc mừng chiến thắng của quân đội Syria thời gian gần đây.

syria_sfzb.jpg
Quân đội Syria tại một cao điểm gần Qaryatain. Ảnh Reuters

Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Syria Jihad al-Laham trong khuôn khổ chuyến thăm Damascus, Trưởng đoàn Nghị sỹ Iran Amir Khojasteh bày tỏ hy vọng rằng bước tiến gần đây có thể giúp Syria chiến thắng IS.

Ông al-Laham cho rằng: “Chính phủ một số nước trong khu vực thực tế đang hậu thuẫn tổ chức IS và các tay súng người Sunni, giúp các nhóm vũ trang này phát triển và cử đến Syria với  mục đích lật đổ chính quyền ở đây chỉ trong vòng vài tháng. Nhưng trong suốt 5 năm qua, người dân và Chính phủ Syria đã kháng cự quyết liệt và đáp lại chiến thắng đang đến gần với họ”.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi quân đội Syria hôm qua tiếp tục đẩy lùi các tay súng phiến quân ra khỏi Qaryatain, thành phố ở phía Tây Palmyra và trên tuyến huyết mạch dẫn tới thành trì của IS Raqqa.

Đây chắc chắn là mục tiêu tiếp theo của quân đội Syria. Tổng thống Át-xát từng khẳng định quyết tâm giành lại Rắc-ca nhờ sự giúp đỡ của I-ran và Nga.

IS bị đẩy lùi ở Syria là một thông tin đáng lẽ phải ăn mừng. Nhưng Mỹ và các nước phương Tây trong liên minh chống nhóm khủng bố này lại không phản ứng như vậy. Bởi người chiến thắng không phải là họ và với đà này người giành lại Raqqa, thành lũy cuối cùng của IS ở Syria gần như cũng không phải là họ.

Người phát ngôn của liên quân do Mỹ đứng đầu, Đại tá Steve Warren ngày 3/4 lên tiếng bày tỏ mong muốn phe đối lập ôn hòa mang tên Lực lượng dân chủ Syria (SDF), một liên quân của người Kurd và người Arab, sẽ đánh bại IS chứ không phải quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad.

Ông Warren cho rằng, không có cái gọi là “một cuộc đua” giành lại Raqqa và theo ông, việc kiểm soát được thành phố chiến lược này không phải là chuyện mà Chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga có thể làm được “một sớm một chiều”.

Theo một số chuyên gia phân tích, những chiến thắng gần đây của quân đội Syria đã chứng minh rằng, ngoài không kích yểm trợ, cần phải có một lực lượng hùng hậu và hiệu quả trên bộ mới có thể đẩy lùi IS.

Đây là vấn đề không mới, song đến nay chính phủ Mỹ vẫn từ chối một phương án triển khai quân quy mô lớn trên bộ để chống IS. Trong buổi họp báo mới đây nhất, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tái khẳng định nguyên tắc của chính quyền Barack Obama là “lực lượng chiến đấu chủ chốt ở trên bộ phải là những người chiến đấu vì đất nước của chính họ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng nhắc lại quan điểm này: “Bộ trưởng Quốc phòng đã nói, có một lực lượng đặc biệt với quy mô nhỏ hoạt động ở Iraq và Syria với những sứ mệnh đặc biệt. Nhưng chúng tôi không có ý định triển khai một phái bộ chiến đấu quy mô lớn. Chúng toi luôn ý thức được rằng, cần phải có một lực lượng trên bộ để tấn công IS nhưng điều cần thiết là họ phải là người bản địa.”./.