Chính phủ Nhật Bản cho rằng đây là Hội nghị quan trọng hướng tới một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Với lập trường đó, Nhật Bản cũng đã cử Cục trưởng Cục Châu Á, Bộ Ngoại giao tới Việt Nam để phối hợp với các bên xử lý công việc trong những  trường hợp cần thiết.

trumpkimsingapvu_1550978991377915658094_crop_15509789975571190059651_govj.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore, tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Đa số người dân Nhật Bản được hỏi về triển vọng của hội đàm Mỹ-Triều lần 2 này đều hy vọng một thỏa thuận cụ thể cho lộ trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ được thống nhất. Điều này còn đóng góp vào an ninh của Nhật Bản được đảm bảo. Một số cho rằng, việc tổ chức Hội nghị ở Việt Nam giúp Việt Nam tạo đà phát triển ở giai đoạn mới.

Chủ tịch Tập đoàn Neo Keeper của Nhật Bản, ông Onishi nói rằng ông sẽ thiết lập một Tổng đại lý ở Việt Nam để có thể cung cấp mặt hàng của tập đoàn ra toàn khu vực Đông Nam Á sau hội nghị lần này.

Bà Tomoko Kitagawa cho rằng, bà mong muốn Triều Tiên sẽ có cơ hội phát triển kinh tế. Để được như vậy, kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 này là yếu tố quan trọng để cấm vận kinh tế nước này được bãi bỏ. Có thể một sớm một chiều không giải quyết được ngay, nhưng từng bên nỗ lực chắc chắn sẽ làm được.

Trong khi đó, tất cả các hãng truyền thông lớn của Nhật Bản như NHK, Fuji TV, Asahu, Mainichi, Kyodo… đều có mặt tại Hà Nội để thông tin về Hội nghị đến với người dân Nhật Bản và bạn bè thế giới. Thời lượng phát khá nhiều và dày đặc. Nhiều ý kiến khán, thính giả đều ủng hộ Hội nghị, đánh giá cao Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nỗ lực hòa giải, ca ngợi Việt Nam thực sự an toàn và cẩn thận, chu đáo trong khâu tiếp đón, tổ chức./.