Ngày 2/5 Nga tuyên bố thành lập nhóm các nước chống lại kế hoạch của Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela, trong khi nhiều quốc gia khác tiếp tục kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Venezuela Maduro và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Daily Express |
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm chính thức Uzbekistan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ huy động nỗ lực của những quốc gia tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc để chống lại các kế hoạch của Mỹ tại Venezuela. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, nhóm quốc gia này sẽ được thành lập tại Liên Hợp Quốc. Lý do là vì tại Liên Hợp Quốc rất khó có thể xuyên tạc được chủ đề này và việc bảo vệ các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi rõ trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Mỹ và Nga thời gian qua luôn lên tiếng cáo buộc lẫn nhau can thiệp vào cuộc khủng hoảng Venezuela. Mỹ lên tiếng ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido, đồng thời đề cập khả năng can thiệp quân sự nếu cần thiết. Trong khi đó, Nga tuyên bố các hành động quá mức của Mỹ can thiệp vào Venezuela là vi phạm luật quốc tế, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù lập trường của Nga và Mỹ về tình hình tại Venezuela là khác biệt, nhưng hai bên đều nhất trí tiếp tục các cuộc tiếp xúc về vấn đề này. Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Phần Lan để thảo luận về những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
Khủng hoảng Venezuela tiếp diễn khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, nhưng khả năng can thiệp quân sự là một giải pháp không được nhiều quốc gia ủng hộ.
Phát biểu khi đang ở thăm Mexico ngày 2/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tiếp tục kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Venezuela: “Những gì mà người dân Venezuela đang phải đối mặt rất nghiêm trọng và tôi thực sự lo ngại về tình hình nhân đạo tại quốc gia này. Chúng tôi lo ngại tình hình có thể xấu hơn. Đức và Mexico đều khẳng định rằng, chỉ có một giải pháp hòa bình thông qua các kênh chính trị, dựa trên sự đồng thuận chung cho cuộc khủng hoảng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy theo hướng này”.
Trong khi quốc tế đang tích cực thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Venezuela thì trong nước, Tổng thống Nicolas Maduro cũng đang nỗ lực ổn định tình hình. Tổng thống Maduro và các tướng lĩnh quân sự cấp cao ngày 2/5 đã thể hiện sự đoàn kết, nhằm bác bỏ tuyên bố của Mỹ và lực lượng đối lập rằng quân đội đang tìm cách lật đổ Tổng thống.
Trong bài phát biểu trên truyền hình với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino và Chỉ huy các chiến dịch quân sự Venezuela Remigio Ceballos, Tổng thống Maduro khẳng định, các lực lượng vũ trang đang rất đoàn kết để thực hiện sứ mệnh của mình.
“Quân đội đã không ngần ngại khi nói không với những kẻ phản bội, những người đã tham gia vào cuộc đảo chính bất thành. Đã đến thời điểm bảo vệ quyền được hòa bình. Để tạo dựng một Tổng thống bằng việc sử dụng súng đạn và phớt lờ Hiến pháp không phải là một lựa chọn”, Tổng thống Maduro nhấn mạnh.
Truyền thông quốc tế cũng nhận định, mặc dù nỗ lực đảo chính của lực lượng đối lập trong tuần này bất thành, nhưng giải pháp can thiệp quân sự của Mỹ vào Venezuela cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của lực lượng này. Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Venezuela sẽ gây ra chia rẽ nghiêm trọng, mang đến những hậu quả nhiều hơn là giải pháp.
Với tình hình chính trị hiện nay, lãnh đạo đối lập Juan Guaido cũng không muốn mình là “con rối” trong tay Mỹ. Do đó, việc các lực lượng chính trị tại Venezuela ngồi xuống bàn đối thoại sẽ là giải pháp duy nhất cho con đường tìm kiếm hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ này./.
Đảo chính Venezuela: “Vết rạn” mới trong quan hệ Nga-Mỹ