Ngày 31/8, Hội nghị hòa bình các dân tộc tại Myanmar sẽ khai mạc ở Thủ đô Naypyidaw, với sự tham dự của 1.800 đại biểu của các cơ quan chính phủ, phe phái chính trị, nhóm vũ trang địa phương, cùng các nhà quan sát của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và đại diện ngoại giao các nước.
Hội nghị hòa bình lần này với tên gọi Hội nghị Panglong thế kỷ 21sẽ kéo dài 5 ngày và có sự tham gia của nhiều nhóm sắc tộc vũ trang nhằm tìm ra giải pháp để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 70 năm qua tại nước này.
Tại Hội nghị lần này, Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc vũ trang sẽ thảo luận một phương án cho phép người dân và các dân tộc sống tại các bang Shan, Wa và Kachin có thể có quyền tự quyết. Các nhà phân tích cho rằng việc trao quyền cho các nhóm này sẽ giúp chấm dứt xung đột, gây dựng hòa bình và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ tham dự Hội nghị hòa bình Liên bang Myanmar. Đây được xem là động thái hỗ trợ nỗ lực của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi nhằm chấm dứt xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở nước này.
Trong một thông điệp gửi trước thềm Hội nghị, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết: “Hội nghị Panglong thế kỷ 21 là một bước đầu tiên đầy hứa hẹn. Tôi xin chúc mừng tất cả những người tham gia hội nghị này vì sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm và tinh thần của sự thỏa hiệp”.
Tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại Myanmar là mục tiêu quan trọng đối với bà Aung San Suu Kyi kể từ khi Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà lên nắm quyền vào tháng 11/2015.
Những cuộc xung đột sắc tộc ở Myanmar đã khiến hơn 130.000 người thiệt mạng kể từ khi nước này giành độc lập từ Anh năm 1948. Lần này, Hội nghị hòa bình có sự tham gia của Hội đồng liên bang các dân tộc thống nhất (UNFC), liên minh vũ trang lớn nhất gồm 7 nhóm dân tộc thiểu số, trong đó có Tổ chức Độc lập Kachin.
Nhóm này có tới 10.000 tay súng và đã xung đột với quân đội chính phủ ở miền Bắc Myanmar từ năm 2011, sau khi thỏa thuận ngừng bắn song phương kéo dài 17 năm với Chính phủ tan vỡ. Chính vì thế Hội nghị này được bà Aung San Suu Kyi và đông đảo người dân Myanmar kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho đất nước.
Tuy nhiên, một lãnh đạo nổi dậy giấu tên phát biểu với Hãng tin AFP rằng họ không kỳ vọng giải pháp từ Hội nghị, bởi sẽ không có thảo luận hay bàn bạc, mà đây là cơ hội hiếm hoi để các bên nói chuyện cởi mở với Chính phủ.
Giới phân tích nhận định, Hội nghị này là một bước khởi động cần thiết, còn tiến trình đàm phán và đạt được thỏa thuận hòa bình được dự báo có thể kéo dài trong "nhiều năm nữa"./.