Ngày 15/10, Mỹ hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu đối với Iran, nhằm gây sức ép để đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

us%20trung%20phat%20iran.jpg
Bất chấp lệnh trừng phạt, nhiều công ty Mỹ vẫn xuất khẩu hàng hóa vào Iran (Ảnh minh họa: thenews.com)

Người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney khẳng định, động thái của Liên minh châu Âu nhằm gây sức ép và cô lập chính phủ Iran khi nước này tiếp tục từ chối tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế và hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế.

Tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra sau khi Liên minh châu Âu thông qua gói biện pháp trừng phạt tài chính - thương mại cứng rắn mới đối với Iran.

Giới ngoại giao cho biết, gói trừng phạt mới nhằm vào những thỏa thuận của Liên minh châu Âu với các ngân hàng cũng như hoạt động thương mại, vận tải và nhập khẩu khí đốt của Iran. Tuy nhiên Liên minh châu Âu vẫn nhấn mạnh đến một giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân Iran trong khi hối thúc nước này tuân theo các qui chuẩn quốc tế.

Tuy hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào Iran, nhưng trên thực tế, hai quốc gia này vẫn đang có những giao lưu thương mại với nhau. Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, trong 8 tháng vừa qua, Mỹ đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá gần 200 triệu USD sang Iran, chủ yếu nhờ vào mặt hàng ngũ cốc.

Dẫn đầu trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Iran kể từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay là doanh thu lúa mì và các mặt hàng ngũ cốc khác. Trong thời gian cùng kỳ năm 2011, Mỹ không xuất khẩu lúa mì hay những mặt hàng ngũ cốc tương tự như lúa mì sang Iran.

Thống kê cũng cho thấy, một số hàng hóa nhân đạo xuất sang Iran như thuốc men có giảm, song một số hàng hóa như: các sản phẩm sữa và thiết bị y tế (được xuất theo giấy phép xuất khẩu của Bộ Tài chính Mỹ) vẫn tiếp tục chảy vào Iran bất chấp các lệnh cấm vận tài chính siết chặt mới.

Dù Iran vẫn có nhu cầu lớn nhập khẩu các loại hàng hóa này, song các công ty Mỹ cho biết, họ gặp nhiều khó khăn trong khâu thanh toán, bởi các ngân hàng lớn của Iran đều bị liệt vào “danh sách đen” của Mỹ. Trong khi một số ngân hàng khác không bị đưa vào danh sách đen lại được phép tiếp cận ngoại hối có giới hạn./.