Phát biểu với CNN, một quan chức yêu cầu không nêu danh tính cho biết, tại thời điểm này, chỉ còn "vài trăm" trong tổng số 5.800 quân nhân Mỹ tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul và nhiệm vụ sơ tán vẫn là trọng tâm của các nỗ lực trên thực địa.

Theo một quan chức khác, đến nay, việc cắt giảm quân số không ảnh hưởng đến nhiệm vụ và cho biết chỉ huy quân đội Mỹ trên thực địa có thể quyết định những đơn vị đã trở nên dư thừa. Quyết định đó có thể dựa trên một số yếu tố, bao gồm số lượng cổng mở tại sân bay, số lượng người đến và hơn thế nữa.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận thức sâu sắc về mối đe dọa từ ISIS-K, một nhánh ở Afghanistan của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác xung quanh sân bay Hamid Karzai gây ra. Quân đội Mỹ đã phát triển các tuyến đường thay thế tới sân bay Hamid Karzai cho công dân Mỹ và người Afghanistan sơ tán. Taliban cũng đã tuyên bố công khai là họ không muốn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan sau ngày 31/8 tới, cảnh báo rằng sẽ có "hậu quả" nếu binh sĩ Mỹ ở lại lâu hơn.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) sáng cùng ngày, Tổng thống Joe Biden cho biết mối đe dọa đối với quân đội Mỹ ở Kabul là một trong những lý do chính khiến ông kiên định với ngày rút quân cuối cùng là 31/8.

Trong khi đó, cùng phát biểu tại cuộc họp G7, Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng các nỗ lực sơ tán tại Afghanistan sẽ không thể tiếp tục mà không có sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ. Cùng ngày, người phát ngôn Phủ Tổng thống Pháp nêu rõ, thời gian sơ tán của quân đội Pháp phụ thuộc hoàn toàn vào khi nào Mỹ quyết định rút các binh sĩ của mình ra khỏi sân bay quốc tế Kabul./.