AFPngày 3/10 dẫn lời các nhà nghiên cứu của Australia cho biết, họ đã hiểu rõ hơn về nơi chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có thể gặp nạn, đồng thời thừa nhận không thể tưởng tượng được một chiếc máy bay thương mại lại có thể biến mất như vậy trong kỷ nguyên hiện đại ngày nay.

mh370_ixuk.jpg
Vụ biến mất hy hữu của MH370 cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Ảnh minh họa: AFP/Getty.

Chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines cùng với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã biến mất đầy bí ẩn ngày 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur, Malaysia đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn tốn kém nhất trong lịch sử hàng không thế giới đã được triển khai nhưng cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả.

Không có dấu vết nào của MH370 dù lực lượng tìm kiếm với những thiết bị tối tân nhất hiện nay đã quần thảo một khu vực  khoảng 120.000km2 dựa trên những phân tích hình ảnh vệ tinh về quỹ đạo bay có khả năng MH370 hướng tới sau khi nó đột ngột chuyển hướng.

Cơ quan an toàn giao thông Australia (ATSB) - đơn vị dẫn dắt sứ mệnh tìm kiếm MH370, trong báo cáo cuối cùng về công tác tìm kiếm cho biết: “Nguyên nhân MH370 biến mất không thể được xác lập một cách chắc chắn cho đến khi chiếc máy bay được tìm thấy”.

“Điều này hầu như là không tưởng và chắc chắn là không thể chấp nhận được trong kỷ nguyên hàng không hiện đại... khi một chiếc máy bay thương mại lớn bị mất tích và thế giới không biết chắc điều gì đã xảy đến với nó và những người có mặt trên chuyến bay”, báo cáo nêu rõ.

ATSB cho biết, phải làm việc với dữ liệu hạn chế là một thách thức lớn khi ban đầu chỉ có thông tin về hoạt động của máy bay và dữ liệu về các liên lạc vệ tinh.

Sau đó, trong khi tìm kiếm dưới nước, các nghiên cứu về trôi dạt trong thời gian dài đã được sử dụng để lần ngược theo dấu vết của các mảnh vỡ mà khi đó đã trôi dạt trên biển trong suốt hơn 1 năm, một số trường hợp lên tới hơn 2 năm.

Có lẽ “điểm sáng” lớn nhất trong bản báo cáo dài 440 trang đó là ghi nhận “hiểu biết về nơi mà MH370 có thể đang hiện diện giờ đây là khá hơn bao giờ hết”.

Báo cáo viết: “Cuộc tìm kiếm dưới nước đã loại bỏ hầu hết các khu vực có khả năng cao được xác định bằng việc mô phỏng lại đường bay của máy bay và các nghiên cứu về sự trôi dạt của mảnh vỡ được tiến hành trong 12 tháng qua đã xác định khu vực có khả năng cao nhất với độ chính xác tăng dần”.

Hồi tháng 4/2017, Cơ quan khoa học quốc gia Australia (CSIRO) đã công bố một báo cáo cho thấy MH370 có thể  nằm ở phía bắc khu vực tìm kiếm trước đây. “Vùng khả năng” mới này có diện tích khoảng 25.000 km2.

ATSB đồng tình với nhận định nêu trên dựa trên những phân tích hình ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 23/3/2014, trong đó xác định một loạt vật thể có khả năng là các mảnh vỡ của MH370.

“Phân tích này đi kèm với các kết quả của bản đánh giá nguyên tắc đầu tiên và xác định một khu vực rộng chưa tới 25.000 km2 mà có khả năng MH370 nằm lại ở đó cao nhất,” báo cáo viết.

Cho đến nay, mới chỉ có 3 mảnh vỡ xác định là của MH370 được tìm thấy khi chúng trôi dạt vào bờ biển phía tây Ấn Độ Dương, trong đó có một phần cánh lái máy bay dài 2 m./.