Trong 3 ngày qua, số ca tử vong do Covid-19 tại Indonesia liên tục tăng kỷ lục, nâng tổng số người tử vong trong đại dịch ở Indonesia lên thành 80.000 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 40.071 ca mắc mới, trong đó có 1.566 người đã tử vong. Như vậy sau hơn 1 năm chống chọi với đại dịch, Indonesia đã vượt mốc 3 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 80.000 trường hợp tử vong.

Nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith, ông Dicky Budiman đánh giá, tỷ lệ tử vong cao do Covid-19 ở Indonesia là tác động của việc không thực hiện tốt xét nghiệm, truy vết và điều trị.

Ở Indonesia, số ca mắc mới Covid-19 thời gian gần đây tăng vọt, thậm chí đạt mức cao nhất thế giới, nhưng số lượng người được xét nghiệm và truy vết rất thấp khiến việc phát hiện sớm và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho các ca tử vong cũng tăng theo. Hơn nữa, hệ thống chăm sóc y tế quá tải khiến nhiều người phải tự cách ly mà không qua hệ thống khám bệnh sàng lọc để đánh giá nguy cơ và mức độ của bệnh.

Nhà dịch tễ học này cũng đánh giá rằng, các chương trình của chính phủ đưa ra như tư vấn y tế trực tuyến từ xa, hay phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tự cách ly tại nhà là không đủ, bởi không phải tất cả người dân đều có khả năng truy cập internet. Ông kêu gọi chính phủ tập trung nhiều hơn vào các nỗ lực xét nghiệm, truy vết và điều trị.

Dữ liệu báo cáo độc lập từ trang Lapor Covid-19 của Indonesia cho biết, từ đầu tháng 6 cho đến ngày 22/7, có 2.313 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong bên ngoài cơ sở y tế khi đang tự cách ly hoặc cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ sở y tế. Người đồng khởi xướng trang báo cáo trên, ông Ahmad Arif cho biết, dữ liệu này dựa trên nguồn cung cấp từ cộng đồng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều này có nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm xử lý Covid-19 Indonesia - ông Wiku Adisasmito ngày 23/7 cũng thừa nhận, sự gia tăng số người chết vì Covid-19 liên tiếp trong một tuần là một báo động cần được quan tâm đặc biệt. 

Ông này cũng cho biết, hiện nay chính phủ Indonesia vẫn đang theo dõi sự lây lan Covid-19 ở Indonesia, để tiến hành đánh giá về các biện pháp đang thực hiện, sau đó mới đưa ra quyết định nên thắt chặt hay nới lỏng các hạn chế di chuyển của người dân.  

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, Indonesia cần lập tức thắt chặt các giới hạn để hạn chế sự di chuyển của cộng đồng, trước sự lây lan nhanh chóng các ca mắc Covid-19 do biển thể Delta gây ra, nguy cơ tăng làm thêm nhiều thương vong cho người dân./.