Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) hôm nay (1/8) cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại Indonesia trong tháng 7 vừa qua đã tăng tới 4,94%. Đây là mức lạm phát cao kỷ lục kể từ tháng 10/2015 và vượt qua mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2%-4% của Ngân hàng Trung ương Indonesia.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát tại Indonesia tiếp tục tăng do sự ”leo thang” giá cả nhóm thực phẩm như: ớt đỏ, dầu ăn, hẹ tây…; nhiên liệu hộ gia đình và giá vé máy bay tăng trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, so với một số nền kinh tế khác tại khu vực, lạm phát của Indonesia được đánh giá vẫn trong tầm kiểm soát tương đối do chính phủ hỗ trợ cho năng lượng. Lạm phát cơ bản – một chỉ số được theo dõi để quyết định chính sách tiền tệ - dù tăng 2,86% trong tháng 7 song vẫn nằm trong mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Indonesia. Do vậy, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng tăng, đến nay Ngân hàng này vẫn giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục 3,5% từ tháng 2/2021. Các chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát tại Indonesia có thể vượt ngưỡng 5% trong năm nay và Ngân hàng Trung ương Indonesia có thể phải điều chỉnh, tăng lãi suất từ 25 – 50 điểm cơ bản trong vài tháng tới.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Indonesia dự đoán tỷ lệ lạm phát của nước này ở mức từ 3,5 – 4,5% trong năm nay, cao hơn so với dự báo ban đầu trong Ngân sách Nhà nước. Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bán một số trái phiếu nắm giữ và giảm thanh khoản dư thừa. Chính phủ Indonesia cam kết bình ổn giá thực phẩm, sử dụng ngân sách nhà nước như một công cụ để bảo vệ sức mua của người dân và duy trì đà phục hồi kinh tế quốc gia./.