Tổng thống đương nhiệm Afghanistan Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah hôm 30/9 đều tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 28/9 vừa qua.

ung_vien_afghanistan_pvbv.jpg
Các ứng viên bầu cử tổng thống Afghanistan. Ảnh: jiua.francasaisne.fr.

Việc cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng trong khi hoạt động kiểm phiếu đang diễn ra, làm gia tăng mối lo ngại tái diễn kịch bản cách đây 5 năm giữa chính 2 ứng cử viên này, buộc Mỹ phải đứng ra làm hòa giải để lập ra chính phủ chia sẻ quyền lực hiện tại.

Quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah hôm 30/9 tuyên bố chiến thắng sau vòng bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống tại quốc gia Nam Á này. Phát biểu tại buổi họp báo, ông Abdullah cho biết đã giành được hầu hết phiếu bầu trong cuộc bầu cử, đồng thời đưa ra một số cáo buộc gian lận trong bầu cử.

“Dựa vào tình hình hiện nay, Afghanistan sẽ không phải tổ chức bầu cử vòng 2. Chúng tôi sẽ đứng ra thiết lập chính phủ mới. Có một số quan chức chính phủ đã can thiệp trực tiếp vào tiến trình bầu cử tại một số tỉnh và họ sẽ phải đối mặt với pháp luật”.

Ngay sau tuyên bố của ông Abdullah, ông Amrullah Saleh - ứng cử viên cho vị trí Phó Tổng thống trong nhóm vận động tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani cũng khẳng định đã giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử. Theo ông Amrullah Saleh, Tổng thống Ghani nhận được 60 đến 70% tỉ lệ ủng hộ: “Tôi đã có số liệu nhưng không công bố trước. Tuy nhiên tôi xin khẳng định chiến thắng của chúng tôi là áp đảo. Dù bất cứ kết quả nào, chúng ta cũng nên chờ đợi và chấp nhận phán quyết của Ủy ban bầu cử. Không nên đưa ra bất cứ suy đoán nào. Hiến pháp sẽ có đánh giá và chúng ta nên tôn trọng”.

Ủy ban bầu cử trung ương Afghanistan ngay lập tức khẳng định không ứng cử viên nào có quyền tự tuyên bố thắng cử. Luật pháp quy định Ủy ban bầu cử sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Dự kiến kết quả sơ bộ cuộc bầu cử sẽ được công bố vào ngày 19/10 tới và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 7/11.

Với việc cả hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử đều tuyên bố chiến thắng làm gia tăng lo ngại về việc lặp lại kịch bản trong cuộc bầu cử Tổng thống cách đây 5 năm giữa chính 2 ứng cử viên này. Ông Ghani và ông Abdullah đều là 2 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014, với kết quả khiến quốc gia Nam Á này lâm vào bế tắc chính trị kéo dài, khi cả hai đều cáo buộc lẫn nhau gian lận bầu cử. Cuộc tranh giành quyền lực chính trị sau bầu cử đã buộc Mỹ phải đứng ra làm hòa giải với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Theo đó, ông Ghani trở thành Tổng thống và ông Abdullah chấp nhận trở thành quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan.

Trong bối cảnh các cuộc đối thoại hòa bình đổ vỡ giữa Taliban và Mỹ, cùng chiến dịch tấn công hàng loạt của Taliban khiến quốc tế lo ngại với bế tắc hậu bầu cử có thể khiến quốc gia Nam Á này bất ổn hơn.  

Đại sứ Cộng hòa Séc tại Afghanistan cho rằng, các bên không nên tuyên bố về chiến thắng khi hoạt động kiểm phiếu chưa hoàn thành, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng Hiến pháp. Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu kêu gọi các cơ quan bầu cử cần phải thể hiện tính trung lập và hiệu quả, đề nghị các ứng cử viên kiềm chế và tôn trọng luật pháp.

Chưa rõ ai sẽ trở thành Tổng thống mới của Afghanistan, nhưng người chiến thắng được kỳ vọng sẽ có một lập trường mạnh mẽ hơn trong bất cứ cuộc đàm phán nào với Taliban. Cả Tổng thống đương nhiệm Afghanistan Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah đều công bố cương lĩnh tranh cử với cam kết đoàn kết đất nước và chấm dứt nội chiến. Tuy nhiên, cả hai đều không đưa ra kế hoạch chi tiết thúc đẩy tiến trình hòa bình và phát triển kinh tế đất nước, cho thấy những khó khăn của hai ứng viên hàng đầu này trong việc hoạch định chương trình hành động cụ thể để giải quyết vấn đề lớn của đất nước./.