Không muốn Chiến tranh Lạnh mới
Ông Biden muốn đối phó với Trung Quốc mà không dấy lên một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Ông và các cố vấn của ông thừa nhận rằng họ sẽ không có được bước tiến trong các vấn đề đa quốc gia như biến đổi khí hậu và đại dịch toàn cầu mà không có sự hợp tác với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Với lý do này, ông Biden và các cố vấn phản đối quan điểm kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cũng như quan điểm ủng hộ việc “tách rời” nền kinh tế mà Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro, theo đuổi.
Mỹ cần phải tìm cách giảm thiểu những tác động từ mối quan hệ với Trung Quốc, có thể là bằng cách thay thế chuỗi cung ứng các sản phẩm nhạy cảm trên toàn cầu bằng các chuỗi cung ứng trong nước cho dù 2 nước vẫn có sự liên kết phức tạp trong nền kinh tế thế giới.
Chính sách đối phó với Trung Quốc của ông Biden có thể sẽ bắt đầu bằng việc đổi mới trong nước. Ông Biden khẳng định Mỹ có thể vượt qua Trung Quốc nếu nước này đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, mặc dù đang chậm lại nhưng vẫn gấp khoảng 3 lần Mỹ. Vài năm trước, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên “sức mua tương đương”. Trong tác phẩm “Định mệnh chiến tranh” (Destined for War) năm 2017, tác giả Graham Allison nhận định rằng, quyền lực nhiều khả năng sẽ chuyển sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là một nhận định khó có thể chấp nhận đối với Mỹ, trong đó có cả ông Biden và những người có niềm tin mãnh liệt vào “trật tự thế giới tự do” phần lớn do Mỹ định hình sau Thế chiến 2. Trật tự đó được xây dựng dựa trên các liên minh, đặc biệt là liên minh các nền dân chủ phương Tây, và nó có thể đem lại sự đối trọng với Trung Quốc.
Julianne Smith, người tiền nhiệm của Ratner trong vai trò phó cố vấn an ninh của ông Biden, cho rằng Đức, Pháp và các nước châu Âu khác, vốn lâu nay tin tưởng Trung Quốc hơn Mỹ dù những nước này cũng chứng kiến các hoạt động do thám của Trung Quốc nhằm vào nền kinh tế của họ.
Các nước châu Âu vốn đồng quan điểm với Mỹ trong các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, sự bảo trợ lớn của chính phủ Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu, thao túng tiền tệ hay quy định đòi tiếp cận các công nghệ bí mật của các nhà đầu tư nớc ngoài...
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh phương Tây có phần “lạnh nhạt” khi Tổng thống Trump không ngần ngại công kích các đồng minh của mình, ngay cả trong vấn đề thương mại. Đó cũng là lý do nhiều nước tỏ ra miễn cưỡng khi Mỹ kêu gọi “tẩy chay” công nghệ 5G của Trung Quốc.
Dù vậy, khi ông bắt đầu công kích nhằm vào các chính sách thương mại của Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã tấn công châu Âu thậm chí còn gay gắt hơn thay vì tìm ra quan điểm chung với họ.
Mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là một trong những ưu tiên chính của ông Biden trong chương trình thảo luận với các nước đồng minh và đối tác cả Mỹ, trong đó có cả Australia, Nhật Bản...
Tìm lại sự cân bằng
Không chỉ thương mại, ông Biden cũng sẵn sàng cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, thậm chí tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như các khu vực khác.
Jeffrey Prescott, một thành viên trong nhóm phụ trách chính sách đối ngoại của ông Biden, từng nói: “Chúng tôi [Mỹ] là một cường quốc Thái Bình Dương”.
Ông Prescott cho rằng, Mỹ sẽ cần tăng cường công nghệ radar tiên tiến và năng lực phòng thủ tên lửa để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như Trung Quốc.
Chính ông Biden cũng từng khẳng định, ông sẽ không né tránh các cuộc đối đầu với Trung Quốc. Khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn máy bay Mỹ bay qua “vùng nhận dạng phòng không” mà nước này tự tuyên bố ở vùng biển quốc tế, ông Biden [khi còn đương chức Phó Tổng thống Mỹ] đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng: “Chúng tôi sẽ bay ở khu vực đó”.
Kể từ đó, ông Prescott cho biết, Trung Quốc đã không thiết lập thêm thêm vùng nhận dạng phòng không mới nào nữa.
Dù vậy, nếu ông Biden có kế hoạch tiếp tục vòng xoáy đối đầu với Trung Quốc, cho dù có được thực hiện một cách thận trọng trong sự phối hợp với các đồng minh, thì điều đó cũng có khả năng đem lại rủi ro đưa các bên đi đến một “bờ vực chiến tranh”. Ông Biden, với tư cách là Tổng thống Mỹ nếu đắc cử sẽ cần phải tìm lại sự cân bằng một cách cẩn trọng và khôn ngoan./.