Phát biểu sau khi dự một Hội thảo khu vực ASEAN về tăng cường vai trò phụ nữ trong thời kỳ dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Indonesia, bà Ida Fauziyah cho rằng các nước ASEAN cần hợp tác để đẩy mạnh việc bảo vệ các lao động nữ, cũng như hiện thực hóa những nỗ lực cụ thể của ASEAN nhằm đạt được các mục tiêu toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Theo Bộ trưởng Ida Fauziyah, đây là một phần không thể thiếu trong nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội ở các nước ASEAN. Sự hợp tác này cũng giúp ASEAN nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó kịp thời trước các thách thức lao động tương lai như khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, thiên tai… Do vậy, bà Ida Fauziyah kêu gọi các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến gia tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế và thị trường lao động thời kỳ dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Nhân lực Indonesia dẫn lại báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy trong dịch Covid-19, lực lượng lao động nữ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chịu nhiều thiệt thòi hơn các lao động nam, chẳng hạn như mất việc làm, lương thấp do nữ giới thường làm việc ở các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Các doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, ông Erick Thohir, cũng thừa nhận mục tiêu bình đẳng giới trong các doanh nghiệp nhà nước ở nước này chưa đạt được. Hiện tỷ lệ nữ giới lãnh đạo trong các doanh nghiệp Nhà nước Indonesia mới là 12%, trong khi mục tiêu đặt ra là 15% vào năm 2021 và 20% vào năm 2023.

Với dân số hơn 640 triệu người, Đông Nam Á dù là một trong những khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, song tăng trưởng kinh tế chưa được chia đều cho phụ nữ và nam giới. Theo đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới luôn thấp hơn nam giới. Các chuyên gia kinh tế dự báo nếu tình trạng bất bình đẳng trên thị trường lao động được cải thiện thì đến năm 2025, tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á có thể tăng thêm 370 tỷ USD mỗi năm./.