Sau hơn 13 giờ đàm phán căng thẳng trong ngày họp đầu tiên, nguyên thủ các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa thể phá vỡ được thế bế tắc liên quan đến gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro và sẽ phải tiếp tục đàm phán trong ngày hôm nay.
Các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các nước thành viên EU trong cuộc họp Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 2/2020 kéo dài hơn 13 tiếng và kết thúc sau nửa đêm ngày 17/07 mà không đạt được bất cứ tiến triển nào liên quan đến gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro mà Uỷ ban châu Âu đề xuất cuối tháng 5/2020.
Theo các nguồn tin phát đi từ Brussels, mấu chốt của bế tắc vẫn là sự không khoan nhượng của ông Mark Rutte, Thủ tướng Hà Lan, nước có quan điểm cứng rắn nhất trong số 4 nước phản đối cơ chế phân bổ nguồn tiền từ gói phục hồi.
Theo Thủ tướng Hà Lan, việc EU dành ra 500 tỷ trong số 750 tỷ euro để phân bổ cho các nước dưới dạng trợ cấp là quá lớn và con số này chỉ nên dừng ở mức 200 đến 300 tỷ euro. Ngược lại, cần phải tăng khoản cho vay, hiện đang ở mức 250 tỷ euro. Phía Hà Lan cũng yêu cầu trao cho Uỷ ban châu Âu quyền được tạm ngưng việc rót tiền phục hồi cho bất cứ nước thành viên nào nếu như xác định nước đó đang sử dụng số tiền này sai mục đích.
Ngoài ra, một loạt các mâu thuẫn khác giữa các nước cũng chưa thể giải quyết, như việc các nước Đông Âu là Ba Lan, Hungary phản đối việc gắn nghĩa vụ tôn trọng các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền và cam kết chống biến đổi khí hậu vào việc phân bổ nguồn tiền phục hồi.
Trong chiều ngày 17/07, sau khi các đàm phán đầu tiên bế tắc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phải tạm ngưng cuộc họp để tiến hành các cuộc gặp song phương với nguyên thủ các nước Đức, Pháp, Hungary, Áo và Ba Lan. Tuy nhiên, các đàm phán tiếp theo trong tối 17/07 cũng không tiến triển.
Điều này buộc nguyên thủ các nước EU tiến hành ngày đàm phán thứ hai, bắt đầu từ 11h ngày 18/07 theo giờ địa phương tại Brussels. Kịch bản về việc kéo dài Thượng đỉnh EU sang ngày Chủ nhật 19/07 cũng đã được tính đến.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Những giờ tới sẽ mang ý nghĩa quyết định cho việc đạt được kế hoạch tham vọng này của Liên minh châu Âu. Các nước cần phải có sự nhượng bộ để kế hoạch phục hồi và ngân sách châu Âu những năm tới có thể phục sinh châu Âu về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và xây dựng một châu Âu có chủ quyền mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, công nghiệp, sinh thái, đồng thời thúc đẩy sự đoàn kết với các khu vực và người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất”./.