Hôm qua (6/5), Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU với các nước trong khu vực Tây Balkan đã được tổ chức với sự tham dự của 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU, các nhà lãnh đạo Tây Balkan cùng với Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Cao ủy Liên minh châu Âu về An ninh và Chính sách đối ngoại Josep Borrell cùng đại diện một số tổ chức quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh này được lên kế hoạch diễn ra tại thủ đô Zagreb của Croatia quốc gia hiện đang đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên EU. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hội nghị chỉ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố Zagreb gồm 20 điểm trong đó nhấn mạnh sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo EU đối với viễn cảnh gia nhập châu Âu của các nước Tây Balkan. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Tây Balkan thì tái khẳng định hội nhập châu Âu là một lựa chọn chiến lược và cam kết sẽ thực hiện cải cách trên tất cả các lĩnh vực để phù hợp với tiến trình gia nhập khối. Hiện nay, Albania, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia đã là các quốc gia ứng cử viên chính thức gia nhập EU. Bosnia và Herzegovina cùng với Kosovo được coi là "ứng cử viên tiềm năng".
Trong khuôn khổ chương trình, các nhà lãnh đạo EU và Tây Balkan đã cùng nhau chia sẻ mục tiêu về một châu Âu hòa bình, mạnh mẽ, ổn định và thống nhất, được củng cố bởi các mối quan hệ về lịch sử, văn hóa, địa lý giữa các quốc gia và các lợi ích chung về chính trị, an ninh và kinh tế của cả châu lục. Các nhà lãnh đạo EU cũng khẳng định quyết tâm tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của mình ở tất cả các lĩnh vực cho các quốc gia Tây Balkan và hoan nghênh các cam kết cải cách mạnh mẽ của các nước này trên nguyên tắc tuân thủ các giá trị của châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh EU-Tây Balkan là minh chứng cho thấy khu vực này là ưu tiên tuyệt đối và đối tác đặc biệt của EU. Bà tin tưởng EU sẽ có trách nhiệm đặc biệt trong việc giúp đỡ các đối tác trong khu vực này gia nhập Liên minh châu Âu đồng thời khẳng định EU và Tây Balkan đã thể hiện tình đoàn kết của mình trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết EU cam kết đầu tư hỗ trợ các nước Tây Balkan phục hồi kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 trong đó tập trung vào các vấn đề giao thông, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số và các hoạt động du lịch và văn hóa.
Hội nghị Thượng đỉnh lần này một lần nữa cho thấy EU sẽ làm mọi cách và không từ bỏ “sân sau” của mình trước những những tham vọng của Nga và Trung Quốc nhằm nâng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực này./.