Năm nay (2018) tròn 75 năm trận chiến Prokhorovka lịch sử giữa quân đội phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô. Trong trận này, phía Xô viết bắt đầu cuộc phản công trong khuôn khổ trận chiến Kursk rộng lớn hơn. Trận đánh Prokhorovka là một chương quan trọng trong cuộc đụng đột lớn tại vòng cung Kursk thuộc Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Đây cũng là một trong các trận đánh bản lề của Thế chiến 2.
#5. Chiến dịch Thành Trì: Cuộc tiến công cuối cùng của Đức ở Mặt trận phía Đông
Mùa hè năm 1943, Bộ tư lệnh Tối cao của Đức đưa ra quyết định xóa bỏ “khúc lồi” Kursk – một khu vực nhô ra ở tiền tuyến sau cuộc tiến công mùa Đông của Hồng quân kế tiếp trận Stalingrad. Các lực lượng đáng kể của Liên Xô đã đóng tập trung quanh thị trấn Kursk, cách Moscow khoảng 450km về phía tây nam và hõm sâu 150km về phía tây vào trong khu vực Đức kiểm soát.
Mang mật danh “Chiến dịch Thành Trì”, cuộc tấn công của Đức Quốc xã nhằm bao vây và loại bỏ các đội hình Xô viết sau khi tung đòn chớp nhoáng với thế gọng kìm từ phía bắc và phía nam Kursk, mang lại cho quân đội Đức lợi thế chiến lược ở Mặt trận phía Đông.
Để đạt mục đích đó, Wehrmacht (quân đội Đức) tập trung 50 sư đoàn và hơn 900.000 quân, gần 3.000 xe tăng và pháo tự hành, cùng 10.000 pháo hạng nặng và súng cối. Đức huy động 2.000 máy bay cho chiến dịch này. Đức cũng tung vào trận các loại vũ khí mới của họ, bao gồm xe tăng hạng trung và hạng nặng Panther và Tiger, cũng như máy bay tiêm kích Fw 190A.
#4. Điệp viên Bridge cứu sinh mạng nhiều lính Hồng quân
Chương trình của Anh phá mã Đức Quốc xã tại Bletchley Park (trung tâm của Anh về mã thám trong Thế chiến 2) đã hé lộ các bước chuẩn bị của Đức cho một cuộc tiến công lớn tại Kursk vào đầu mùa hè. Tuy nhiên London đã không chia sẻ được thông tin này với đồng minh Liên Xô. Và điều này đã khiến cho công chức John Cairncross – một điệp viên của Liên Xô làm việc tại Bletchley Park, phải tuồn các thông tin vô giá này cho tình báo quân sự Liên Xô.
Được cung cấp thông tin này, Bộ tư lệnh Tối cao của quân đội Xô viết quyết định giăng bẫy quân đội Đức tại Kursk để tiêu hao sức mạnh tấn công của chúng.
Bộ đội thuộc các Phương diện quân Trung tâm, Voronezh và Stepnoy dưới quyền chỉ huy của các tướng Xô viết Konstantin Rokossovsky, Nikolai Vatutin và Ivan Konev đã gom lại để chống lại đội hình tập trung của quân Đức. Phía Liên Xô đã tập trung được gần 2 triệu quân, hơn 26.500 pháo và súng cối, và 5.000 xe tăng và pháo tự hành cho chiến dịch này.
Kế hoạch tác chiến của quân đội Đức Quốc xã nhằm loại bỏ chỗ lồi Kursk. Ảnh: Alexpl. |
#3. Lực lượng tinh nhuệ của Đức Quốc xã
Quân đội phát xít Đức mở Chiến dịch Thành Trì vào ngày 5/7. Lực lượng của tướng Rokossovsky nghênh chiến Cụm tập đoàn quân Đức ở phía bắc của chỗ lồi Kursk. Ở phía nam, quân của tướng Vatutin dốc sức làm chậm đà tiến của Cụm tập đoàn quân phía Nam của Đức, khiến lính Đức tại đây chỉ tiến được rất chậm.
Trong ngày đầu tiên của chiến dịch, Đức thiệt hại tới 300 xe tăng. Dẫu vậy, Bộ tư lệnh Đức vẫn kiên trì tìm kiếm các điểm yếu trong tuyến trước của Liên Xô. Và đến ngày 9/7, chúng đã đột phá thành công, xâm nhập được sâu đến 35km vào chỗ lồi Kursk.
Các quân đoàn xe tăng dạn dày chiến trận của Tập đoàn quân xe tăng Panzer số 4 và quân đoàn tăng số 3 của lực lượng Kempf tập trung theo hướng thị trấn Prokhorovka ở đông nam Kursk.
Các đơn vị này bao gồm Sư đoàn SS Panzer số 1 tinh nhuệ, các đơn vị tăng Das Reich và Dead Head.
Được trang bị xe tăng Panther và Tiger, quân Đức đã áp dụng chiến thuật triển khai các biệt đội pháo binh độc lập trong khắp khu vực phòng ngự. Các xe tăng mới này được tập trung ở đầu các mũi tiến công để chọc thủng phòng tuyến đối phương, theo sau là các xe tăng hạng trung Panzer IV. Hệ thống liên lạc trên các xe tăng này cho phép liên lạc vô tuyến điện giữa các lực lượng với nhau cũng như với lực lượng máy bay.
Về phía Liên Xô có sư đoàn bộ binh số 183 và quân đoàn tăng số 2. Các đơn vị này đều hứng chịu tổn thất nặng nề trước các đợt oanh tạc của không quân phát xít Đức dọc theo toàn bộ mặt trận trong cuộc tấn công của Đức.
#2. Cối xay thịt Prokhorovka
Bộ tư lệnh Tối cao của Hồng quân đã lên kế hoạch phản công bằng thiết giáp nhằm đập tan cuộc tiến công của Đức ở nam Kursk. Họ giao nhiệm vụ thực hiện cuộc phản công này cho Tập đoàn Xe tăng Cận vệ số 5 dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Pavel Rotmistrov. Vài đơn vị xe tăng và trung đoàn pháo binh, súng cối khác - bị hao mòn sau các trận giao chiến trước đó, đã được gom vào đội hình của tướng Rotmistrov.
Tổng cộng, Liên Xô tập trung được khoảng 700 xe tăng và pháo tự hành để chống lại gần 500 xe tăng và pháo tự hành Đức trong một lãnh thổ hẹp chỉ có vài chục kilômét vuông.
Trận đấu tăng Liên Xô - Đức lớn nhất lịch sử ở Kursk: Lửa, thép và máu
Sáng 12/7/1943, Hồng quân bắn pháo cấp tập để “mềm hóa” lực lượng đối phương. Sư đoàn SS Panzer đầu tiên lao tới chiếm lĩnh các vị trí tấn công. Các xe tăng T-34 đời cũ gắn pháo 76mm đã bị áp đảo trước xe tăng Tiger của Đức. Khi đôi bên cận chiến, các quả đạn pháo 88m của xe tăng Tiger dễ dàng xuyên thủng lớp giáp của xe tăng T-34. Điều này buộc Hồng quân phải dựa vào tốc độ và tính cơ động của xe T-34 để đối phó với địch. Hỏa lực pháo binh cùng bom trút từ hàng trăm máy bay đã biến cuộc tiến công này thành một trận chiến xay thịt.
#1. Bước ngoặt
Vào cuối ngày 12/7, khu vực quanh Prokhorovka rải rác xe tăng bốc cháy, những mảng đất bị thiêu đốt, và hàng ngàn người lính tử trận. Bầu trời đầy khói, bụi và muội.
Quân Đức cố gắng giữ vị trí của chúng nhưng rồi kiệt sức dần. Đức mất 80 xe tăng và pháo tự hành, 800 lính. Mười một máy bay của Đức đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề.
Trận chiến Kursk phá tan thế chủ động chiến lược của quân đội Đức
Trong khi đó quân đoàn 29 và 18 của lực lượng tăng Rotmistrov đã mất tương ứng khoảng 60% và 30% lượng xe thiết giáp của mình. Hồng quân bị mất khoảng 170-180 xe tăng và gần 6.000 chiến sĩ.
Chiến sự trong khu vực này tiếp tục đến ngày 16/7 và không bên nào chọc thủng được phòng tuyến của nhau. Tuy nhiên, quân Đức cạn kiệt năng lực tiến công và Cụm tập đoàn quân phía Nam của Đức phải bỏ dở kế hoạch đột phá vào Kursk.
Cuộc phản công của Liên Xô ở Kursk, bắt đầu vào ngày 12/7, kéo dài đến ngày 23/8, mang lại cho Hồng quân quyền chủ động chiến lược.
Tổng cộng Liên Xô mất khoảng 254.470 binh sĩ. Phía Đức thương vong 130.429 người.
Trong 50 ngày giao tranh, Đức Quốc xã mất khoảng 1.500 xe tăng và pháo tự hành. Nhưng chúng cũng phá hủy được ước chừng 6.000 xe tăng và pháo của Hồng quân.
Về lực lượng không quân, phía Đức mất gần 1.700 máy bay còn Liên Xô mất 1.600 chiếc.
Từ sau chiến dịch Kursk trở đi, Đức Quốc xã không bao giờ giành lại được quyền chủ động chiến lược trên Mặt trận phía Đông./.