Cơ quan Tình báo Nigeria (NIA) chuẩn bị một tài liệu thông báo, đề ngày 12/10/2018, trong đó họ cảnh báo về cái gọi là “thuốc thịt người” do Trung Quốc sản xuất và được tuồn vào Nigeria. Báo SaharaReporters của châu Phi đã có được một bản sao tài liệu này.
Thuốc con nhộng và thuốc viên (Ảnh minh họa của Saharareporters). |
Báo động nhờ Hàn Quốc
Tài liệu trên nói rằng Cơ quan Hải quan Hàn Quốc vào ngày 30/9 tiết lộ đã tịch thu được 2.751 viên thuốc chứa các thành phần từ bào thai, trẻ sơ sinh và thịt người, được công dân Trung Quốc nhập vào Hàn Quốc.
Theo tài liệu này, các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc tuyên bố rằng thuốc của họ có thể tăng cường sự dẻo dai, chữa ung thư, tiểu đường và một số bệnh khác, và được vận chuyển theo dạng xách tay (bằng va ly) và qua đường chuyển phát quốc tế.
Theo tài liệu này, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc chỉ ra rằng các viên thuốc đó chứa tới 18,7 tỷ virus, trong đó có virus viêm gan B.
Cơ quan tình báo Nigeria đã cảnh báo các cơ quan chức năng của nước này, gồm Bộ Y tế, Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm, Cơ quan Thực thi Pháp luật về Ma túy, Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria, Cơ quan Bưu điện Nigeria, cơ quan hải quan... nhằm thúc đẩy các nỗ lực giám sát hoạt động nhập khẩu loại thuốc này từ Trung Quốc sang Nigeria.
Quầy thuốc đông y truyền thống của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Tài liệu của cơ quan tình báo Nigeria cho rằng việc bào chế thuốc từ thịt người và đem tiêu thụ số thuốc đó là tội ác chống lại loài người và có thể dẫn tới các thách thức sức khỏe nghiêm trọng.
Theo tài liệu trên, Cơ quan Tình báo Quốc gia Nigeria tiếp tục theo dõi chặt vụ này.
Báo chí Nigeria kinh hãi về “thuốc thịt người”
Nhiều tờ báo Nigeria đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng này.
Tờ Vanguardngr.com của Nigeria viết rằng đây là điều kinh khủng như trong tiểu thuyết hoặc phim. Tờ báo viết, khó có thể tin được đây là chuyện thật nếu như trên thực tế không có sự xác nhận của các cơ quan chức năng Nigeria như Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm, Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria, Cơ quan Hải quan Nigeria...
Bài báo trên tờ Vanguardngr.com nhận định, người Nigeria có thể phải trả một cái giá đắt vì để cho đất nước mình trở thành nơi tiếp nhận các sản phẩm giá rẻ do nước ngoài sản xuất.
Theo Vanguardngr.com, vấn đề ở Nigeria khá phức tạp, vì nước này (và các nước châu Phi khác) đã nhận vô số khoản vay và hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc mà không kiểm tra các điều kiện ngầm ẩn đi kèm có thể gây hại cho nền kinh tế của họ.
Và tờ báo này bày tỏ lo ngại chuyện gì sẽ xảy ra nếu cơ quan Hàn Quốc không phát hiện ra vấn đề “thuốc thịt người” này trước.
Tờ báo này nhấn mạnh hành động quyết liệt và khẩn trương của phía Hàn Quốc trước vấn đề thuốc bẩn này. Tờ báo cũng nói rõ, “thuốc thịt người” là không chấp nhận được trong văn hóa Nigeria.
Cảnh giác toàn diện với hàng Trung Quốc
Tờ báo Vanguardngr cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc thường phớt lờ các quy định quốc tế, đặc biệt là đối với các sản phẩm họ bán ra nước ngoài, và do vậy người Nigeria phải chủ động cảnh giác.
Vẫn theo nguồn tin Vanguardngr, Hội Dược phẩm Nigeria đã hối thúc chính quyền nước này hành động khẩn cấp vì an ninh dược phẩm tại quốc gia này.
Thời Mahathir, Malaysia cảnh giác với các dự án đầu tư của Trung Quốc
Tờ Guardian của Nigeria (guardian.ng) ghi nhận: “Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc là tâm điểm của cơn bão dư luận về hàng xuất khẩu của họ. Năm 2007, Eduardo Arias người Panama phát hiện ra rằng thuốc đánh răng bán ở nước ông có chứa chất Diethylene glycol (DEG) – cùng loại chất đã làm bẩn xy-rô ho và gây tử vong cho 138 người Panama vào năm 2006. Các quan chức Panama phát hiện kem đánh răng này đến từ Trung Quốc”.
Nhà phân tích Yazan Saleh nói với tờ Guardian nói trên rằng Trung Quốc thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn rõ ràng dành cho các nhà sản xuất dược phẩm.
Theo tờ báo Breitbart của Mỹ, giới lập pháp Nigeria đã thông qua biện pháp yêu cầu giới chức nước này nhận diện và bắt giữ những kẻ đứng đằng sau hoạt động mua bán loại thuốc Trung Quốc này.
(Bài này tổng hợp thông tin từ các báo châu Phi, Nigeria và Mỹ, bao gồm: SaharaReporters.com, Vanguardngr.com, Guardian.ng, và Breitbart.com)/.