Vào tháng 9/1961, tờ  New York Times đưa thông tin Liên Xô đang chuẩn bị thử nghiệm một vụ nổ cực lớn. Kế hoạch là kích nổ 100 triệu tấn TNT được sắp đặt một cách chiến lược để tạo ra những đợt sóng khủng khiếp có thể tàn phá vùng bờ biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Mỹ.

222_lsbw.jpg
Nhà vật lý Andrei Sakharov. Ảnh: Russia Beyond.

Dự án, có tên gọi Lavina (Avalanche) dự tính tạo ra một cơn sóng thần nhân tạo thay cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân song vẫn đảm bảo có sức công phá cực mạnh nhằm gây thương vong lớn. Điều đáng chú ý, tác giả dự án, không ai khác chính là Andrei Sakharov, nhà vật lý nổi tiếng, người đoạt giải Nobel Hòa bình và được coi là một trong những danh nhân vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Thảm họa được tạo ra như thế nào?

Dự án chết chóc, có phần giống với bộ phim Ngày kinh hoàng (The Day After Tomorrow), thực ra không phải ý tưởng của Nga. Các nỗ lực đầu tiên nhằm tạo ra một trận sóng thần nhân tạo được tiến hành bởi người Mỹ. Dự án tối mật của Mỹ có tên “Project Seal” về cơ bản có chung mục đích, nhằm xóa sổ kẻ thù khỏi trái đất bằng một trận sóng thần siêu mạnh. Dự án này do sỹ quan hải quân E.A. Gibson đề xuất khi ông quan sát thấy các hoạt động nổ mìn nhằm dọn dẹp rạn san hô quanh Quần đảo Thái Bình Dương đã tạo ra những con sóng lớn. Cho rằng độ lớn của các con sóng phụ thuộc trực tiếp vào lực nổ, quân đội Mỹ đã quyết định nghiên cứu lý thuyết này. Các vụ thử nghiệm được tiến hành vào năm 1944 ngoài khơi New Caledonia – nơi 3.700 quả bom được kích nổ, tiếp đến là khu vực Auckland, New Zeland.

“Đây là điều vô cùng kinh ngạc. Trước hết là ý tưởng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt dựa trên sóng thần và sau đó, New Zealand dường như đã phát triển lý thuyết đó thành công đến mức nó có thể trở thành hiện thực”, nhà sản xuất phim người New Zeland – người từng khảo sát các hồ sơ quân sự được lưu trong một kho lưu trữ quốc gia cho biết.

Không lâu sau đó, Liên Xô đã nhận được các thông tin tình báo về vụ thử nghiệm của Mỹ và cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời, thậm chí hiệu quả hơn nhiều so với việc sử dụng máy bay mang đầu đạn hạt nhân, vốn dễ bị hệ thống phòng không theo dõi. Sau đó, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã yêu cầu nghiên cứu tính khả thi của dự án này.

“Tôi rất xấu hổ”

Vào thời điểm đó, Liên Xô đã phát triển được bom hydro và một trong những người tạo ra loại bom này là nhà vật lý Andrei Sakharov. Một nhóm các nhà khoa học, trong đó có cả Andrei Sakharov được giao nhiệm vụ thử loại bom này trong điều kiện mới: dưới nước. Vấn đề đặt ra là họ làm thế nào để di chuyển nó.

Trong hồi ký của mình, ông Andrei Sakharov viết: Sau khi thử nghiệm “bom Sa Hoàng” (bom hydro), tôi lo ngại về việc thiếu phương tiện vận chuyển loại bom này (máy bay ném bom không khả dụng vì chúng dễ dàng bị bắn hạ). Điều đó đồng nghĩa với việc xét về phương diện quân sự, công việc của chúng tôi là vô ích. Tôi quyết định sử dụng ngư lôi lớn để mang đầu đạn hạt nhân và ngư lôi này được phóng từ tàu ngầm. Chắc chắn việc phá hủy các cảng biển, gây ra bởi vụ nổ lớn khi ngư lôi 100 megaton “nhảy” ra khỏi mặt nước sẽ dẫn đến thương vong nghiêm lớn”.

Ông Andrei Sakharov tiếp tục nói về việc ông đã chia sẻ ý tưởng này như thế nào với Chuẩn đô đốc Petr Fomin, người đứng đầu hạm đội thử nghiệm vũ khí hạt nhân và hạt nhân của Liên Xô. Song ông Petr Fomin đã bị sốc và gọi đây là vụ thảm sát “ăn thịt người”. “Tôi đã xấu hổ và không bao giờ nói về dự án của mình cho bất cứ ai khác nữa”, nhà vật lý học Andrei Sakharov chia sẻ.

Tuy vậy, các biện pháp khác vẫn được thảo luận tích cực ở thời điểm đó. Có một giả thuyết là biến ngư lôi thành quả bom hẹn giờ, sau đó đặt nó ngoài khơi biển nước Mỹ và có thể kích hoạt bất cứ lúc nào.

Ảnh minh họa dự án: Russia Beyond.

Dự án có thực sự được thực hiện?

Về lý thuyết thì một quả bom siêu mạnh sẽ thực sự tạo ra một trận sóng lớn khủng khiếp nhưng các vụ thử nghiệm cho thấy quy mô của các trận sóng như vậy chỉ là tưởng tượng. Kết luận này được Mỹ và Liên Xô đưa ra một cách độc lập.

Nhà vật lý học Boris Altschule cho biết, vào năm 2002, một số nhà vật lý hạt nhân Mỹ đã đến thăm Viện Vật lý thuộc Viện Hàn Lâm hoa học Nga. Một người trong đoàn đã chia sẻ với ông rằng khi anh ta còn làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, anh ấy đã được hướng dẫn để tính toán các thông số của một quả bom hydro sao cho đủ khả năng tạo ra cơn sóng thần cực mạnh để phá hủy Liên Xô. Anh ta rất chăm chỉ thực hiện các nghiên cứu theo yêu cầu và thấy rằng việc tạo ra một cơn sóng cao 1.000 m ở Bắc Băng Dương là rất khả thi.

Tuy nhiên, người này đã kết thúc báo cáo bằng một kết luận tiêu cực đó là vị trí địa lý và quy mô của Liên Xô khiến dự án khó có thể thực hiện được. Trận sóng sẽ không vươn tới được Moscow hay các mỏ hạt nhân ở Siberia, đó là chưa kể đến thực tế nó sẽ di chuyển theo vòng tròn đồng tâm, lan ra tỏa ra các hướng khác nhau, về phía Mỹ, Canada, châu Âu.

Nhà khoa học Yuri Smirnov, đồng nghiệp của Andrei Sakharov cũng đã “dội gáo nước lạnh vào ý tưởng này”. Theo ông Đại Tây Dương là khu vực quá nông, trong khi đó một trận sóng thần khổng lồ ở Thái Bình Dương sẽ chỉ phá hủy được bang California. Các rặng đá sẽ ngăn trận sóng tiến xa hơn và dự án này sẽ vô nghĩa, xét theo quan điểm quân sự. Mỹ đã tạm gác dự án, còn ông Khrushchev sau khi nghe lời khuyên của quân đội và các nhà khoa học củng hủy bỏ lệnh trang bị bom hydro cho tàu ngầm.

Nhà khoa học Andrei Sakharov chia sẻ, ông có nghĩa vụ nhân văn để vô hiệu hóa mối đe dọa từ dự án tạo sóng thần nhân tạo và do đó ông chẳng bao giờ hối hận khi đề xuất dự án mà ông đã được trao huy hiệu của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô ở tuổi 32. Ông thực sự tin rằng ý tưởng của ông sẽ ngăn chặn thay vì kích động Thế chiến thứ 3./.