Tờ New York Times của Mỹ vừa phanh phui mối quan hệ qua lại lâu dài giữa CIA và Saudi Arabia – đất nước có chương trình vũ trang cho các phiến quân Syria được Tổng thống Mỹ Obama hậu thuẫn hồi đầu năm 2013.

cia_vqnm.jpg
Một dấu CIA trên tường. Ảnh: Flickr.

Trong chương trình “Timber Sycamore”, người Saudi Arabia cung cấp tiền và mua vũ khí cho phiến quân Syria, trong khi CIA đào tạo những người này trong các trại bí mật ở Jordan.

Quan hệ đối tác Saudi-CIA có từ trước đây nhiều năm và có dính đến cơ quan mật vụ Anh. Trong các năm Ronald Reagan làm Tổng thống Mỹ, người Saudi Arabia đã rót tiền cho phong trào thánh chiến mujahedeen ở Afghanistan khi lực lượng này chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô. Saudi Arabia sánh ngang với Mỹ về đầu tư tiền bạc.

Tài khoản hỗ trợ khủng bố

Việc tài trợ cho mujahedeen được thực hiện thông qua các tài khoản ngân hàng (do CIA quản lý) ở Thụy Sĩ. Các tài khoản này được cho là một phần trong chương trình “Al Yamamah” có từ năm 1985, trong đó người Anh và người Saudi Arabia sử dụng một thỏa thuận đổi dầu lấy vũ khí để tạo ra vô số tài khoản “đen” ở nước ngoài, bao gồm cả ở quần đảo Cayman, nhằm cung cấp tiền và vũ khí cho một loạt các cuộc nổi dậy toàn cầu. Các tài khoản này cung cấp phần lớn tiền cho cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan.

Tiết lộ mới này của New York Times tăng thêm sức nặng cho các cáo buộc trong một cuốn sách của Mike Springman, cựu lãnh đạo bộ phận visa Mỹ ở Jeddah, Saudi Arabia từ năm 1987-1989.

Trong cuốn “Thị thực dành cho al-Qaeda: Giấy tờ của CIA khiến thế giới rúng động”, Springmann nêu rõ cách thức mà “trong thập niên 1980, CIA đã tuyển dụng và huấn luyện các chiến binh Hồi giáo chống lại việc Liên Xô đưa quân can thiệp vào Afghanistan”.

Theo tài liệu này, “sau đó, CIA sẽ đưa những chiến binh đó từ Afghanistan sang vùng Balkan, rồi sang Iraq, Libya, và Syria, đi lại bằng visa bất hợp pháp của Mỹ. Những chiến binh do Mỹ huấn luyện và hậu thuẫn này sẽ chuyển hóa thành một tổ chức mà tên của nó đồng nghĩa với khủng bố thánh chiến: al-Qaeda.”

“Tôi biết tỏng, chính tôi ở đó, cấp visa”

Trong một phỏng vấn độc quyền với Sputnik News, Springmann chia sẻ trải nghiệm lần đầu của ông này khi cấp visa Mỹ cho các tên khủng bố tương lai, một sự vi phạm chính luật pháp của Mỹ.

Springmann nói với Sputnik News, “Tôi biết hết. Chính tôi ở đó. Tôi cấp các visa đó”.

Khi đến Jeddah, Springmann mới biết công việc làm thị thực của mình là xem xét hơn 100 đơn xin visa mỗi ngày, tách thành loại được cấp, loại không được cấp, và loại “tự do đi lại dành cho điệp viên CIA”.

Springmann nhớ lại: “Một hôm, Eric Qualkenbush, khi đó là trưởng cơ sở CIA, chặn tôi lại khi tôi đang đi trong khu lãnh sự quán rộng lớn. Ông ta đưa ra một yêu cầu. Eric hỏi liệu tôi có thể cấp visa cho một trong các điệp viên của ông ta hay không? Người đó là một công dân Iran, gia đình người này sở hữu một cửa hàng thuốc phương Đông. Ông này vừa nháy nháy mắt, vừa nói “Mike, thoáng thoáng tí. Chúng tôi cần có anh ta ở Washington để tham vấn.””

Springmann nói với Sputnik News rằng ông gần như ngày nào cũng tranh cãi với Jay Freres, Tổng lãnh sự, cùng với một số quan chức CIA khác – những người nhất nhất yêu cầu cấp visa cho những đối tượng mà thông thường luật pháp và quy định nghề nghiệp không cho phép Springmann cấp visa cho họ. Ông cũng phải đối phó liên tục với những đối tượng xin visa – những người này dọa Springmann rằng nếu ông không chịu cấp visa thì họ sẽ mách Freses để ông bị sa thải.

Ép cấp visa cho đối tượng chiến binh

Đa phần các đối tượng mà Springmann coi là không phù hợp đó, cuối cùng đều nhận được visa để sang Mỹ tham gia huấn luyện, thẩm vấn, và làm một số việc khác. Springmann nói, để các đối tượng này đi được, các quan chức chính phủ Mỹ đã vi phạm Đạo luật Quốc tịch và Nhập cư, cũng như nhiều quy đinh trong bản hướng dẫn Các vấn đề ngoại giao của Bộ Ngoại giao. Được coi là một người nghiêm túc bảo vệ các nguyên tắc nhập cư của Mỹ, Springmann phản đối các vi phạm trắng trợn đối với luật pháp và quy định trong ngành. Tuy nhiên các lời phản đối của ông chỉ như “nước đổ lá khoai”.

Springmann nói rõ chi tiết về việc cuối cùng ông nhận ra rằng công việc của mình ở mảng lãnh sự tại Jeddah chủ yếu là để làm visa cho các điệp viên CIA, tức là các đối tượng nước ngoài mà các sĩ quan tình báo Mỹ tuyển dụng.

“Sau này tôi mới thất vọng nhận ra rằng, những người xin visa là những kẻ được chiêu mộ cho cuộc chiến chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Theo dòng thời gian, các chiến binh này – được đào tạo ở Mỹ, tiếp tục tham chiến ở các chiến trường khác như là Nam Tư, Iraq, Libya, và Syria”.

Nhưng vì sao CIA lại dựa vào một nhân viên lãnh sự chính cống của Bộ Ngoại giao trong khi họ có thể dễ dàng cài người của mình vào trong bộ phận lãnh sự?

Springmann nói: “Ở Jeddah, theo những gì tôi được biết, trong khoảng 20 công dân Mỹ được gửi tới lãnh sự quán thì chỉ có 3 người, bao gồm cả tôi, là làm việc cho Bộ Ngoại giao. Số còn lại là quan chức CIA hoặc NSA và vợ của họ”./.

>> Xem: Phần 2 - Con tốt Ngoại giao