Ngày 2/9, các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí áp giá trần dầu mỏ Nga. Giá trần sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023, mức giá này sẽ có hiệu lực với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga.

Trong những tháng qua, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine đã đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao, khiến lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục ở một số quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Martin Hutchinson nhận định việc G7 áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ gây phản tác dụng tương tự như các biện pháp trừng phạt trước đó từng áp lên Nga.

"Cho tới nay, lệnh trừng phạt Nga là địa ngục với các nhà đầu tư phương Tây, trong khi chúng không có ảnh hưởng tới Nga", ông Hutchinson nhận định.

Ông cũng cho rằng giá cả tăng sau khi áp giá trần dầu mỏ sẽ bù đắp cho sản lượng sụt giảm. Ngoài ra, ông nhận định, các nước G7 không thể kiểm soát chính sách của các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các nhà sản xuất năng lượng lớn ở Trung Đông.

"Dầu mỏ Nga sẽ chảy tới Trung Quốc và Ấn Độ trong khi dầu mỏ Trung Đông với mức giá cao hơn sẽ chảy tới châu Âu và Mỹ", chuyên gia này bình luận.

Ông Hutchinson cho rằng thay vì phá hủy nền kinh tế Nga, những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Moscow đã làm lợi cho Nga khi giá dầu toàn cầu tăng cao.

Trong khi đó, chuyên gia Marshall Auerback thuộc Viện Kinh tế Levy thuộc Hội Nghiên cứu trường Cao đẳng Bard cho rằng chính sách mới sẽ có tác động trở lại sau những diễn biến trên thế giới. Ông cũng nhắc lại những nỗ lực nhằm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu từng thất bại thế nào và cho rằng "việc kiểm soát giá cả không bao giờ có tác dụng"./.