Theo đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” vừa được chính phủ thông qua, ngày 8/9 hàng năm được lựa chọn làm ngày Tôn vinh tiếng Việt. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm tại LB Nga, tiếng Việt là phương tiện giao tiếp, lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, khẳng định bản thân và hội nhập với thế giới. Trên thực tế, việc dạy và học tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Nga trong thời gian qua có thuận lợi, lẫn khó khăn nhất định, đòi hỏi sự quan tâm từ nhiều phía.
“Hạt gạo làng ta có vị phù sa của sông Kinh thầy
Có hương sen thơm trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay…”
Cô và trò của một lớp học tiếng Việt ở Trung tâm mầm non thần đồng Á-Âu đặt tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội- Moscow cùng đọc bài thơ “Hạt gạo làng ta”. Không khó để nhận ra, có em đọc nhầm dấu huyền thành dấu sắc! Lớp học có khoảng chục em, nhưng học tiếng Việt ở các trình độ khác nhau, do thời gian bắt đầu đến lớp của các em khác nhau, tùy điều kiện của gia đình.
Cô Nguyễn Thúy Nga-giáo viên dạy tiếng Việt ở đây cho biết: “Khi tôi mở lớp, không phải các cháu đến học cùng một lúc, đây là cả quá trình tôi phải gom, tháng này 2-3 cháu vào học, tháng sau lại thêm, tháng nào cũng gọi là khai giảng, đành phải chia theo nhóm, có nhóm 4 cháu, nhóm 3, 2, 5 cháu".
Cô phải chia lớp học theo giờ, em nào mới bắt đầu thì học trong một tiếng-làm quen chữ cái, luyện đọc, viết... Những em đã biết biết đọc, viết thì luyện sâu về ngữ pháp trong một tiếng rưỡi. Có những em đã học đến lớp 3-4 ở trường Nga mới bắt đầu học tiếng Việt, nên dễ bị nhầm dấu huyền với dấu sắc, hoặc dấu sắc với dấu ngã, nặng, do trong tiếng Nga chỉ có một trọng âm, tựa như dấu sắc trong tiếng Việt. Dù vậy, với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, cô Nga luôn khắc phục khó khăn, tìm tòi cách dạy phù hợp để các em nắm vững tiếng Việt.
“Tôi nhìn thấy các cháu rất thích học, cảm giác các cháu khám phá ra cái gì rất mới lạ. Các cháu hồn nhiên, ngây thơ trong các câu chuyện mà các cháu kể. Từ đấy mình phải tư duy bằng cách này cách kia truyền đạt cho đúng, để các cháu đọc, viết, hiểu được", cô Nga nói.
Cũng theo cô Nga, ba tháng nghỉ hè là khoảng thời gian các em đến lớp học tiếng Việt rất đông, còn khi vào năm học mới, các em chỉ có thể học ở đây vào hai ngày cuối tuần. Cứ cần mẫn lên lớp vào mỗi cuối tuần như vậy, các cô giáo của Trung tâm mầm non thần đồng Á-Âu đã và đang giữ cho các em ngôn ngữ quê hương - hồn Việt nơi xa xứ.
Cô Lã Thị Hương Mơ, Giám đốc Trung tâm khẳng định, tiếng Việt rất quan trọng đối với các em-những người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba tại Nga: “Khi các em học được tiếng Việt, các em sẽ yêu quê hương, ông bà, cha mẹ, yêu văn hóa Việt Nam. Khi các em học được tiếng Việt thì về Việt Nam hòa nhập với cộng đồng rất dễ, giao tiếp với bạn bè tự tin hơn, không có gì là rào cản, khoảng cách nữa".
Cô Mơ cho biết, sau hơn 7 năm thành lập, để duy trì hoạt động, trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moscow, sự đồng hành của các bậc phụ huynh trong tạo dựng cơ sở vật chất, vận chuyển sách vở từ trong nước sang, kèm cặp các em trong việc học. Trung tâm mầm non Thần đồng Á -Âu đã trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này có lớp dạy tiếng Việt một cách tập trung cho các em nhỏ gốc Việt ở Thủ đô của xứ sở Bạch Dương.
Giám đốc Lã Thị Hương Mơ mong muốn mở thêm trung tâm ở các địa điểm khác để có nhiều hơn con em trong cộng đồng người Việt tại Nga được học tiếng Việt. Cô rất mừng, nếu trước đây, không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu rõ về tầm quan trọng của tiếng Việt, cô cũng như các giáo viên ở đây phải vận động, thuyết phục để các em được đến lớp, thì nay tình hình hoàn toàn khác. Đại dịch Covid-19 và chiến sự ở Ukraine, khiến cho nhiều gia đình phải đưa con em về nước. Những em nào đã biết tiếng Việt thì việc tiếp tục đi học và hội nhập với cộng đồng thuận lợi, và ngược lại. Do đó, hiện nay, các bậc phụ huynh đã hiểu rõ thực tế và hết lòng ủng hộ nhà trường để con em được học tiếng Việt.
Tiếng Việt, trước hết là là phương tiện giao tiếp, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng và với họ hàng, dòng tộc ở quê hương. Thành thạo tiếng Việt, các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Nga, sẽ hiểu biết, trân trọng những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc; góp phần mình vào xây dựng quê hương, đất nước./.