Tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ trì Hội nghị lần này hy vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ có cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Ông cũng khẳng định thành công của hội nghị sẽ là các cuộc thảo luận tích cực và các văn kiện được soạn thảo và nhất trí từ trước được thông qua và cho biết, một bản "Kế hoạch Petersburg" đã được soạn thảo để đưa ra thảo luận tại hội nghị về phát triển kinh tế thế giới và tạo việc làm mới.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại St. Petersburg là cuộc gặp lần thứ 8 của lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

g20.jpg
Một phiên thảo luận tại hội nghị (Ảnh RT)

Chương trình nghị sự của diễn đàn quốc tế này chủ yếu tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất của kinh tế và tài chính thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay được tổ chức trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu. Trong đó, các nước phát triển đang phải đối mặt với những thách thức tài chính lớn, đặc biệt là mối đe dọa từ khủng hoảng nợ công châu Âu. Những lo ngại cũng xuất hiện tại các nước đang phát triển, vốn có vai trò kích thích tăng trưởng toàn cầu, nay phải chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng, giảm đầu tư và lãi xuất cho vay tăng cao.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những ảnh hưởng của tình hình Syria với thị trường thế giới.

Thậm chí các nhà phân tích còn cho rằng, khủng hoảng Syria có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Thị trường dầu mỏ, thị trường chứng khoán đang thực sự cảm nhận được tác động từ khủng hoảng Syria. Những tranh cãi từ ngay trước thềm Hội nghị về một cuộc tấn công Syria do Mỹ dẫn đầu đã phủ bóng quá lớn trên bàn thảo luận, khiến các nhà phân tích lo ngại cuộc chiến Syria sẽ làm "mờ đi" những nội dung khác tại Hội nghị G20, đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới chú trọng giải quyết vấn đề kinh tế, trong đó đặc biệt là thúc đẩy kinh tế cân bằng trên toàn cầu và phát triển bền vững.

Bà Marianne Goldman, chuyên gia tư vấn Chính phủ của Tổ chức Oxfam, có trụ sở tại Anh cho rằng:Nhìn vào tình hình phát triển kinh tế, ta có thể thấy để thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện hơn, các nước cần phải hướng tới những chính sách giải quyết được sự mất cân bằng kinh tế, vấn đề giảm tốc tăng trưởng và đối phó với đói nghèo”./.