Lời chỉ trích được Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu - ông Josep Borrell đưa ra trong cuộc họp báo chiều ngày 19/4 tại Brussels sau khi Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu – EU có cuộc họp trực tuyến trong ngày để bàn về các diễn biến mới nhất trong quan hệ với Nga.

Theo người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tình hình hiện nay ở biên giới Ukraine - Nga vẫn chưa được cải thiện.

“Việc Nga tập trung quân ở gần biên giới với Ukraine là rất đáng lo ngại. Hiện đã có trên 150.000 quân lính Nga dồn về biên giới với Ukraine và tại Crimea. Nguy cơ leo thang là rất hiển nhiên. Chúng tôi đã phải yêu cầu Ukraine phản ứng kiềm chế và chúng tôi cũng thúc giục Nga xuống thang và giảm căng thẳng”, ông Josep Borrell nói.

Quan hệ giữa EU với Nga trở nên đặc biệt căng thẳng trong vài tuần qua sau khi Ukraine tố cáo Nga đe dọa an ninh khi dồn quân và vũ khí hạng nặng về biên giới giữa Nga và Ukraine. Đáp lại, phía Nga chỉ trích chính quyền Ukraine âm mưu tiến hành các hoạt động quân sự ở khu vực miền Đông ly khai của Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng cho rằng hành động của mình là để đáp trả các động thái khiêu khích của khối quân sự NATO khi tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn sát biên giới Nga.

Bên cạnh căng thẳng vì vấn đề Ukraine, quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng nổi sóng vì các diễn biến liên quan đến sức khỏe của nhân vật đối lập Nga, Alexei Navalny, người đang thi hành án tù tại Nga. Cuối cùng, việc Nga và quốc gia thành viên của EU là CH Czech trả đũa ngoại giao lẫn nhau trong hai ngày qua cũng khiến căng thẳng giữa hai bên gia tăng.

Theo các nguồn tin ngoại giao tại Brussels, trong cuộc họp trực tuyến ngày 19/4, các Ngoại trưởng EU đã tranh cãi về việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Các nước thành viên ở Đông Âu như Ba Lan hay các nước Baltic yêu cầu EU lập tức trừng phạt Nga trong khi các nước như Italia, Pháp… vẫn muốn chờ đợi các diễn biến tiếp theo. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo châu Âu cần phải sớm đặt ra các “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Nga và lên kế hoạch hành động chung nếu Nga vượt qua các lằn ranh đỏ này.

Ngoài vấn đề trọng tâm là quan hệ căng thẳng với Nga, các Ngoại trưởng EU cũng đã thông qua đề xuất áp đặt thêm các trừng phạt đối với 2 công ty và 10 cá nhân tại Myanmar được cho là có liên quan đến cuộc chính biến tại nước này hôm 1/2/2021. Các chủ đề khác về hồ sơ hạt nhân Iran hay chiến lược hướng sang Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU cũng đã được thảo luận./.