Kết thúc cuộc họp hôm qua tại Brussels, Bỉ sau cuộc thảo luận về quan hệ chiến lược với Nga, Ngoại trưởng các nước EU cho biết, hiện giờ không phải là thời điểm giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
"Hiện chưa có việc bình thường, chưa có sự quay trở lại quan hệ thương mại với Nga như trước đây. Điều này phản ánh rằng, ngoài những chính sách mà chúng tôi theo đuổi trong quá khứ thì chúng tôi đã sử dụng tốt những công cụ, vai trò hiện có”, bà Mogherini nói.
Tuy nhiên, theo bà Mogherini, Ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên EU nhất trí tiếp tục tiến hành đối thoại cấp chuyên gia với Nga về các vấn đề trọng yếu, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, cuộc nội chiến ở Syria, đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hay Afghanistan, Libya cũng như những thách thức toàn cầu hiện nay, nổi bật là vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong nội bộ EU cũng đã có những ý kiến trái chiều. Trong khi Anh, Ba Lan, Hà Lan và các nước Baltic ủng hộ duy trì việc áp đặt trừng phạt Nga, thì Áo, Hungary, Italy, CH Síp, Slovakia, Pháp và CH Czech lại tán thành việc dỡ bỏ trừng phạt Nga.
Về phần mình, trước những “gợi mở” của châu Âu là có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận nếu Nga tỏ thái độ “hợp tác” hơn trong vấn đề Ukraine, Nga tuyên bố không từ chối sự hợp tác bình đẳng với EU, nhưng sẽ không thảo luận bất kỳ tiêu chí nào với Liên minh châu Âu về dỡ bỏ trừng phạt. Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết, lập trường của nước này đối với mối quan hệ Nga-EU hôm nay rất rõ ràng và cụ thể. Trước đó, Nga nhiều lần tuyên bố, bất kỳ tiêu chí nào để loại bỏ biện pháp trừng phạt chống Nga cũng sẽ không được thảo luận.
Dự kiến, vấn đề quan hệ với Nga sẽ tiếp tục được thảo luận tại các cuộc gặp tiếp theo của Hội đồng bộ trưởng EU và Hội nghị thượng đỉnh EU, có thể diễn ra trong tháng 2 và 3 tới. Tình thế đang buộc EU phải ra quyết định có tính chất mềm dẻo hơn, bởi lẽ số thành viên khối này ủng hộ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga ngày càng tăng lên, trong đó có cả Pháp và Đức vốn là hai thành viên quan trọng nhất.
Ông Grinberg - Giám đốc Học viện khoa học Nga có trụ sở tại Moscow nhận định: "Các biện pháp trừng phạt đã khiến nền kinh tế của hai bên thiệt hại rất nhiều. Có thể nói rằng, lệnh trừng phạt đã làm tổn thương nền kinh tế của tất cả các bên liên quan. Các biện pháp trừng phạt đã làm cho Nga không thể nhận được các khoản vay giá rẻ từ EU, đồng thời cũng làm Liên minh châu Âu không thể đưa hàng hóa vào Nga”.
EU áp các lệnh trừng phạt Nga kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014. Liên minh này cũng tuyên bố tiếp tục siết chặt lệnh trừng phạt sau sự kiện máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine./.