Bắt đầu từ ngày 6/4, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cho phép mọi người tự “nhận nuôi” và tự quản lý 64.000 mảng nhỏ riêng biệt trên bề mặt Trái Đất. Hoạt động này nhằm giúp mọi người có thể tìm hiểu và chia sẻ kiến thức về những chi tiết cấu tạo nên Trái đất.

nasa_nhan_nuoi_trai_dat_janc.jpg
NASA phát động chương trình tìm người “nhận nuôi” Trái đất. Ảnh: NASA.

Các mảng rộng trung bình 55 dặm và được phân phối ngẫu nhiên. Cũng tương tự như việc quản lý đường cao tốc hay đặt tên cho một ngôi sao, người tham gia không có quyền hợp pháp hoặc quyền sở hữu đối với mỗi phần họ nhận được. Vì vậy, cho dù nhận được phần có Taj Mahal hoặc phần ở giữa Thái Bình Dương, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Ít ai có cơ hội để chiêm ngưỡng Trái đất từ trong không gian. Các vệ tinh bay quanh trái đất sẽ cho phép mọi người tiếp cận tới những nơi họ sinh sống hay những vùng xa xôi của sa mạc, núi non và đại dương rộng lớn.

Những người tham gia sẽ nhận được một giấy chứng nhận đối với mảng được đánh số của mình để in và chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội. Chứng chỉ này có chứa các dữ liệu khoa học về trái đất mà NASA thu thập được tại vị trí đó.

Ngoài ra, người dùng có thể khám phá bản đồ thế giới và in các chứng chỉ của các địa điểm khác như quê hương hoặc nơi nghỉ mát ưa thích. Mọi người đề có thể truy cập vào dữ liệu của bất kỳ địa điểm nào trên trái đất bằng cách liên kết tới trang web Worldview của NASA.

Trong Worldview, bạn sẽ có thể xem các hình ảnh về số lượng thực vật trên bề mặt trái đất hay các phép đo chất lượng không khí. Bạn có thể kiểm tra ô nhiễm không khí đang ở mức nào hoặc có bao nhiêu băng biển ở Bắc cực và Nam Cực. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu Trái đất đã thay đổi như thế nào qua thời gian thông qua các dữ liệu đã có từ 30 năm trước.

NASA hy vọng sẽ có tất cả các mảng sẽ được “nhận nuôi” tới Ngày Trái Đất (22/4). Một khi hoạt động thú vị này kết thúc, NASA sẽ bắt đầu lại từ đầu để tất cả mọi người đều có thể tham gia./.