Để tiếp nhận và phản chiếu ánh sáng mặt trời tự nhiên, 3 tấm gương lớn có diện tích khoảng 17m2 mỗi chiếc được lắp đặt tại một sườn núi phía trên khu trung tâm  thị trấn, ở độ cao 450m.

Theo thiết kế, hệ thống 3 chiếc gương khổng lồ này tiếp nhận ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, sau đó phản chiếu chúng từ trên cao xuống khu vực Quảng trường hình elip rộng chừng 600m2.

mirror_copy.jpg
Người dân thị trấn Rjukan hân hoan đón ánh mặt trời từ 3 chiếc gương khổng lồ (Ảnh AP)

Một hệ thống điều khiển máy tính có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động từ xa, theo dõi đường đi của ánh nắng mặt trời, qua đó điều chỉnh những góc tốt nhất để làm sao cả Quảng trường nhận được nhiều ánh sáng nhất.  

Anh Oystein Haugan, kỹ sư thiết kế cho biết, nguồn sáng nhân tạo này có độ sáng đạt tới 90% so với ánh nắng mặt trời trực tiếp.

Anh Haugan cho biết: “Hãy thử tưởng tượng xem cuộc sống như thế nào nếu không có ánh sáng mặt trời. Thế mà người dân thị trấn chúng tôi chẳng nhận được tý ánh nắng mặt trời nào suốt 6 tháng trong năm. Hệ thống gương đón ánh sáng mặt trời của chúng tôi đã làm được điều đó. Thị trấn sẽ tràn ngập ánh sáng trong suốt mùa đông lạnh giá. Mới nghe, ý tưởng này có vẻ điên rồ song lại rất thực tế. Tôi tin rằng người dân sẽ ủng hộ và thích nó”.

Thực ra ý tưởng làm gương thu ánh sáng mặt trời được đề xuất cách đây 100 năm, tuy nhiên giờ đây nó mới thành hiện thực. Được biết, hệ thống gương hấp thụ năng lượng mặt trời ở Na Uy được thiết kế và hoạt động theo mô hình của một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Italy, từ năm 2006 đến nay hoạt động rất hiệu quả.

Anh Haugan cho biết, bên cạnh mục tiêu phát triển hệ thống gương khổng lồ phục vụ cho lợi ích của người dân, chính quyền địa phương hi vọng có thể giới thiệu đến với khách du lịch.

Thị trấn Rjukan nằm dọc theo một thung lũng dài và hẹp ở phía nam Na Uy là khu vực thường xuyên có nhiệt độ thấp và băng giá. Những ngọn núi cao bao quanh các ngôi làng trong thị trấn đã che hết nguồn ánh sáng mặt trời trực tiếp của gần 4.000 cư dân sinh sống nơi đây từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau./.