Kênh truyền hình IranPressTVdẫn lời các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Sheffield và Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Vũ trụ Buckingham, ngày 19/1 cho biết, điều này có thể giúp hé lộ về sự tồn tại của các sinh vật ngoài hành tinh.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loại bóng khí này là “phân tử ma” và cho rằng chúng có thể chứa các thành tố cực nhỏ của các sinh vật ngoài hành tinh.

Hình ảnh của "phân tử ma" được phóng đại dưới kính hiển vi (Ảnh PressTV)

Các phân tử này được thu thập từ các quả khinh khí cầu được các nhà nghiên cứu đưa lên tầng bình lưu, nằm cách bề mặt khí quyển của Trái đất khoảng 27km, với mục đích nghiên cứu các mảnh vỡ trôi nổi trong vũ trụ.

Ông Milton Wainwright thuộc Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Vũ trụ Buckingham cho biết, những phân tử này có độ dày chỉ bằng một sợi tóc người và khi soi bằng kính hiển vi thì có hình dáng của một chiếc khăn choàng.

“Chúng tôi có thể kết luận rằng ở ngoài vũ trụ loại “phân tử ma” này là một dạng “bóng khí mang sự sống” chứa các thành tố của các sinh vật ngoài hành tinh và có thể được thổi phồng lên khi gặp các loại khí nhẹ hơn không khí và cho phép các phân tử này trôi nổi trong không khí hoặc trong những không gian mà chúng ta còn chưa biết rõ”, ông Milton nói.

Nhà nghiên cứu này cũng cho biết, họ vẫn chưa thể tìm ra các loại phân tử giống như thế này trên Trái đất. Loại phân tử này vẫn ở trong trạng thái cực kỳ tinh khiết.

“Trừ khi có cách nào đó để đưa các phân tử này ra khỏi Trái đất mà không khiến các phân tử này bị nhiễm khuẩn từ các vật chất khác tại đây thì rõ ràng là các phân tử này phải nằm ngoài không gian”, ông Milton nói./.