Sáng 10/5, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đăng tải lên mạng các dữ liệu mật trong vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài được thành lập nhằm che giấu tài sản, trốn thuế hoặc rửa tiền. 

Đầu tháng 4 vừa qua, những thông tin bị rò rỉ trong Hồ sơ Panama đã khiến chính trường nhiều nước rúng động, số chính trị gia phải từ chức. Với những thông tin mới được đăng lên mạng, có khả năng sẽ dẫn tới những chấn động mới trên phạm vi toàn cầu. 

anh_qgcx.jpg
Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đăng tải lên mạng các dữ liệu mật trong vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", người dùng có thể tìm kiếm thông tin thông qua trang web của ICIJ. 

Công ty Luật Mossack Fonseca ở Panama trước đó đã đệ đơn lên tòa cho rằng, việc Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế đưa các thông tin trên lên mạng là hành động vi phạm quyền riêng tư của khách hàng. Tuy nhiên, Hiệp hội này khẳng định, những thông tin này cần được công bố minh bạch, nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trong bối cảnh chính phủ đang đẩy mạnh cuộc chiến chống trốn thuế. Động thái này sẽ cho phép người dân hiểu về mạng lưới các công ty và những người đã lạm dụng lỗ hổng luật pháp để thực hiện hành vi trốn thuế.

Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế cho biết, đây chỉ là một phần trong số 11,5 triệu tài liệu và bảo vệ thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ email. Trong thông báo trên website của mình, ICIJ cho biết tất cả mọi người sử dụng Internet đều có thể tự tìm kiếm các thông tin dữ liệu trong Hồ sơ Panama từ một công cụ tìm kiếm được kích hoạt trong ngày 10/5,  bao gồm mối liên hệ giữa hơn 360.000 cá nhân và công ty trên khắp thế giới cùng hơn 200.000 công ty bình phong.

Hồ sơ Panama công bố đầu tháng 4 vừa qua, được coi là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay, với 11,5 triệu tài liệu. Theo luật, các công ty bình phong không phải là thực thể bất hợp pháp. Nhiều người sử dụng công ty bình phong để bảo vệ sự riêng tư cá nhân. 

Hồ sơ Panama công bố đầu tháng 4 vừa qua, được coi là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay. (ảnh minh họa: Enternews).

Tuy nhiên, các công ty bình phong cũng có thể bị sử dụng để che giấu các hoạt động tài chính bất hợp pháp, các tài sản thiếu minh bạch.... Sau bê bối Hồ sơ Panama đã khiến chính trường nhiều nước rúng động, một loạt quan chức và chính trị gia cấp cao mất chức, bao gồm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria và Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Giới quan sát nhận định những công bố mới của Hồ sơ Panama có khả năng dẫn tới những cú sốc trên phạm vi toàn cầu.

Hiện sức ép đang gia tăng đối với Thủ tướng New Zealand John Key sau  khi những tài liệu công bố hôm qua cho thấy có hơn 61.000 tài liệu liên quan đến New Zealand. Theo đó, quốc gia này đang trở thành thiên đường trốn thuế vì có chính sách ưu đãi miễn thuế đối với quỹ và công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng John Key đã bác bỏ cáo buộc này: “Như tôi đã từng đề cập nhiều lần, nếu có bất cứ sự cần thiết thay đổi nào trong lĩnh vực này, chính phủ sẵn sàng xem xét và đưa ra hành động. Điều quan trọng cần lưu ý rằng các qui định hiện nay đã yêu cầu các công ty tín thác nước ngoài phải đăng kí và ghi rõ chi tiết các dữ liệu tài chính. Những dữ liệu này có thể được chuyển qua các cơ quan thuế tại các nước khác”.

Panama hiện cũng đối mặt với sức ép quốc tế với nhiều lời cảnh báo sẽ bị đưa trở lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế sau bê bối thông tin này./.