Tại Mỹ, ổ dịch lớn thứ 3 thế giới đã ghi nhận thêm 9.883 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 43.449 với số ca tử vong hiện là 545. Mỹ chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao nhất trên thế giới, gấp đôi cả số ca nhiễm mới trong ngày của Italy. Tổng thống Trump ngày 23/3 đã thừa nhận rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể tồi tệ hơn.

cvc_tbst.jpg
WHO cảnh báo dịch Covid-19 đang "tăng tốc". Ảnh: Reuters

"Chắc chắn điều này sẽ trở nên tồi tệ. Chúng ta phải nỗ lực để khiến dịch bệnh ít tồi tệ nhiều hơn nữa. Rõ ràng, số ca nhiễm đang tăng lên theo thời gian và sau đó chúng sẽ giảm", ông Trump khẳng định.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ nhận định rằng thời gian thực hiện tự cách ly toàn quốc sẽ không kéo dài trong nhiều tháng bởi ông đang xem xét tái khởi động nền kinh tế Mỹ.

"Tôi không nghĩ điều này sẽ kéo dài trong nhiều tháng và tôi sẽ nói với các bạn ngay bây giờ rằng chúng ta sẽ mở cửa đất nước".

Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh mà chính quyền liên bang đưa ra sẽ không kéo dài đến 3 hoặc 4 tháng. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời gian cụ thể khi nào các khuyến cáo về giãn cách xã hội sẽ chấm dứt.

Bên kia Đại Tây Dương, tại Tây Ban Nha, số người tử vong vì dịch Covid-19 trong 24 giờ qua nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại tâm dịch lớn thứ 2 châu Âu này. Sau khi ghi nhận thêm 539 người chết, tổng số ca tử vong tại Tây Ban Nha đã tăng lên 2.311. Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 của Tây Ban Nha trong ngày thậm chí đã vượt cả Italy với 6.368 trường hợp.

Trong khi đó, ngày 23/3, số ca tử vong tại Pháp tăng đột biến kể từ đầu mùa dịch với 186 ca, nâng tổng số người chết vì nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này lên gần 1.000 trường hợp. Chính phủ nước này đã quyết định siết chặt hơn các biện pháp phong tỏa toàn quốc. Kể từ sáng ngày 24/3, các khu chợ ngoài trời trên toàn lãnh thổ nước Pháp sẽ phải dừng hoạt động nhằm giảm tiếp xúc giữa người dân. Người dân vẫn có thể ra ngoài tập thể dục nhưng chỉ giới hạn trong 1 giờ đồng hồ, trong bán kính 1 km tính từ nơi ở và chỉ ra ngoài 1 lần mỗi ngày.

Những người ra ngoài vì lý do y tế buộc phải có giấy hẹn của bác sĩ hoặc trong các trường hợp khẩn cấp. Chính phủ Pháp cũng tăng mức xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm lên 1500 euro, tương đương gần 40 triệu đồng.

Còn tại Vương quốc Anh, với gần 1.000 số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, tổng số ca nhiễm tại Anh hiện là 6.650 với 335 ca tử vong. Thủ tướng Anh Boris Johnson tối 23/3 đã quyết định phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Theo lệnh phong toả này, người dân Anh cũng sẽ phải tuân thủ các lệnh hạn chế đi lại chặt chẽ như người dân các nước khác như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, tức sẽ chỉ được ra khỏi nhà làm các việc cực kỳ thiết yếu như đi mua thực phẩm, đến hiệu thuốc hay đi làm khi không thể làm việc từ xa, cũng như không được tụ tập quá 2 người.

Một tín hiệu tích cực trong dịch Covid-19 là trong 5 ngày tăng liên tục, số ca mắc Covid-19 mới ở Italy đã giảm ngày 23/3, làm dịu phần nào những căng thẳng trong các bệnh viện đang quá tải của nước này, đồng thời đem đến hy vọng cho Italy trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi mà đây hiện là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất vì Covid-19.

Số ca bệnh tại Lombardy, Italy - khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi Covid-19 cũng lần đầu tiên giảm bớt kể từ khi dịch bệnh bùng phát."Ngày hôm nay có lẽ là ngày tích cực đầu tiên mà chúng tôi có trong một tháng vô cùng khắc nghiệt và khó khăn này".

"Đây không phải là lúc ngợi ca chiến thắng nhưng chúng tôi bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", những người dân Italy chia sẻ.

Italy đã ghi nhận thêm 4.789 ca nhiễm, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 tại quốc gia này lên 63.927. Đã có thêm 601 người chết vì nhiễm SARS-CoV-2 ở Italy, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 6.077.

Dù vậy, ngày 23/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "đại dịch đang tăng tốc" khi mất 67 ngày để đạt mức 100.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu, 11 ngày để đạt mức 200.000 ca nhiễm va chỉ 4 ngày để lên đến 300.000 ca nhiễm.

Như vậy, tính đến thời điểm này, thế giới ghi nhận 378.394 ca mắc Covid-19, với 16.491 ca tử vong. Dịch bệnh đã lây lan và ảnh hưởng đến 195 quốc gia và vùng lãnh thổ./.