Lãnh đạo một số tổ chức quốc tế cũng phản ứng gay gắt trước phán quyết được xem là quá nặng này dành cho vị cựu Tổng thống Ai Cập.

Dư luận Ai Cập ngay lập tức có nhiều quan điểm khác nhau sau phán quyết tử hình đối với ông Morsi mà tòa án hình sự Cairo đưa ra ngày 16/5. Đối với những người không ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo thì có một số người cho rằng ông Morsi cần bị đưa ra xét xử, tuy nhiên án tử hình dành cho tội vượt ngục của ông là quá cao. Trong khi một số người khác thì lại ủng hộ phán quyết của tòa án.

morsi_xabj.jpgCựu tổng thống Ai Cập Morsi giơ hai tay lên khi nghe phán quyết tử hình (Ảnh: AFP)
Còn đối với những người ủng hộ ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo thì những người này đã ngay lập tức bày tỏ sự giận dữ. Chỉ ít giờ sau phán quyết, ít nhất 3 tòa án trên toàn Ai Cập đã bị tấn công, trong đó có một tòa án bị đốt cháy. Nghiêm trọng hơn đã có thẩm phán bị sát hại tại bán đảo Sinai.

Bộ Nội vụ Ai Cập đã ngay lập tức nâng mức cảnh báo tại các khu vực công của nước này. Theo giới phân tích, những hành động quá khích trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bạo lực sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ tại nhiều khu vực của Ai Cập trong những ngày tới.

Ông Tharwat Shalaby, tổng biên tập tờ Al Akhbar, một tờ báo xuất bản bằng tiếng Arab nhận xét: “Theo tôi, phán quyết của tòa án sẽ khiến Ai Cập tan vỡ. Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ gia tăng bạo lực nhiều hơn nữa. Họ sẽ sử dụng tất cả quyền lực của mình. Đây là cuộc chiến tranh chống lại nhà nước Ai Cập, một cuộc chiến lâu dài. Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ tiếp tục tấn công nhằm vào quân đội, các cơ quan tư pháp và lực lượng cảnh sát.”

Cùng với dư luận Ai Cập, dư luận thế giới cũng đã lên tiếng kêu gọi Ai Cập xem xét lại án tử hình cựu Tổng thống Morsi.

Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu, Federica Mogherini nhấn mạnh, án tử hình ông Morsi và hơn 100 bị cáo khác là không phù hợp với cam kết quốc tế của Ai Cập. Nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cho rằng giới chức Ai Cập cần phải đảm bảo việc xét xử phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, trong đó quyền của các bị cáo được xét xử công bằng, cũng như điều tra đầy đủ và độc lập và được xem xét lại tại tòa phúc thẩm.

Cùng ngày, Mỹ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về bản án này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Mỹ phản đối việc xét xử và kết án hàng loạt bị cáo nói trên, cho rằng điều này đi ngược với luật pháp và cam kết của Ai Cập với quốc tế. Trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh:

“Tất cả người dân Ai Cập, cho dù thuộc thành phần chính trị nào cũng cần được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Quyền của họ cần được tôn trọng đầy đủ trong suốt quá trình xét xử.”

Theo luật pháp Ai Cập, các án tử hình được gửi đến Grand Mufti - một tổ chức tôn giáo tối cao ở Ai Cập để xem xét, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, những phán quyết của tổ chức này thường không mang tính ràng buộc đối với quyết định của toà án. Dự kiến, toà án sẽ công bố quyết định cuối cùng vào ngày 2/6 tới./.