Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 1.300 ca mắc tay chân miệng, tăng 65 % so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở trẻ em dưới 5 tuổi. Và bệnh sốt xuất huyết cũng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam của quận Liên Chiểu, phường Khê Trung quận Cẩm Lệ có nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời gian tới.

chan_tay_sguc.jpg
Trẻ điều trị bệnh Tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trước tình hình này, Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng tiến hành phun hóa chất tại các khu vực có dịch. Đồng thời cấp Cloramin B cho các hộ gia đình xử lý vệ sinh môi trường. 

Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Phát sinh sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết: dự báo thời gian tới bệnh tay chân, miệng sẽ tiếp tục tăng vì đang vào đỉnh thứ 2 trong năm: “Với đặc thù, một năm có hai đỉnh. Đỉnh thứ nhất là tháng 3 đến tháng 5, đỉnh thứ hai là tháng 9 tới tháng 11. Như vậy đỉnh thứ nhất đã qua, và đây là bắt đầu có đỉnh dịch thứ hai, bệnh sẽ tăng lên rất cao. Đã biết bệnh tay, chân, miệng là bệnh lưu hành, cho nên ngành Y tế cũng đã tổ chức các biện pháp chủ động, triển khai ngay từ đầu năm”.

Tại TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng trong tuần thứ 36 đã tăng 32% so với ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. 

Tính đến hết tuần thứ 36 (tức là tuần đầu tháng 9), Thành phố Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trung bình khoảng 100 đến 150 ca nhập viện/tuần.  Riêng trong tuần thứ 36, số ca tay chân miệng nhập viện là trên 190 ca. Còn tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc tay, chân, miệng trong 2 tuần gần đây đã tăng gấp đôi so với các tuần trước đó. 

Cụ thể, trước đây 2 tuần, mỗi ngày cao nhất có khoảng 40 trường hợp trẻ mắc tay, chân, miệng nhưng trong tuần qua, có ngày số trẻ nhập viện vì tay chân miệng lên đến con số 80. Như vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy bệnh tay, chân, miệng đang có chiều hướng gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều  này cũng trùng hợp với thời điểm bùng phát dịch tay, chân, miệng hàng năm. Đỉnh dịch thứ  nhất của năm thường rơi vào các tháng 3,4,5. Đỉnh dịch thứ  hai rơi vào các tháng 9, 10, 11.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm -  Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý về các triệu chứng nhận biết khi bệnh đã trở nặng: “Em bé sốt cao 2 ngày, nôn ói. Hoặc sốt cao trên 39 độ khó hạ, là những trường hợp có nguy cơ cao bị biến chứng. Còn nhóm chắc chắn bị biến chứng là giật mình, run tay run chân, đi đứng loạng choạng, thở nhanh”./.