Tại các tỉnh miền Nam, bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao và liên tục trong 3 tháng qua. Điều đáng nói là cùng với sự gia tăng về số trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết thì số ca bệnh sốt xuất huyết nặng cũng gia tăng.
Những ngày đầu tháng 9, trung bình mỗi ngày, Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trên 100 trường hợp điều trị nội trú vì mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, Phòng cấp cứu của Khoa đang điều trị cho 13 bệnh nhi bị rơi vào tình trạng nặng của sốt xuất huyết với các triệu chứng như nôn nói nhiều, máu cô đặc, tiểu cầu giảm.
Các bệnh nhi đang được điều trị Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM |
Có trường hợp nặng đến mức bị trụy tim mạch, suy hô hấp, có dấu hiệu thiếu máu và xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra, còn có 8 trường hợp nặng phải cho thở máy và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Chị Nguyễn Thị Thu Lan, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh có con trai 6 tuổi bị sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Cháu sốt khoảng 4 ngày. Ngày thứ 2 có đưa đi bệnh viện làm xét nghiệm nhưng không phát hiện ra bệnh. Đến ngày thứ 4 cháu bé sốt cao quá nên đưa đến bệnh viện lần nữa thì phát hiện bị sốt xuất huyết với các triệu chứng ói, lừ đừ, chảy máu mũi”.
Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, trong 80 ca nằm điều trị nội trú do mắc sốt xuất huyết thì cũng có đến 10 ca bệnh nặng, trong đó 3 trường hợp phải thở máy. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ rơi vào tình trạng nặng của bệnh sốt xuất huyết, gọi là sốc sốt xuất huyết là do trẻ được phát hiện bệnh quá trễ.
Đa phần các trường hợp nặng nhập viện khi trẻ đã rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết, một lượng lớn huyết tương bị thất thoát ra bên ngoài, tiểu cầu giảm nhiều, xuất huyết kéo dài, suy đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận có 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Toàn miền Nam có 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Thông thường sau 7 ngày, bệnh sốt xuất huyết sẽ tự khỏi nhưng nếu bị biến chứng khi rơi vào giai đoạn sốc sốt xuất huyết thì thời gian điều trị lâu hơn. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết trễ là do phụ huynh khó phân biệt được những dấu hiệu của sốt xuất huyết với các bệnh như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, tiêu chảy, nhiễm trùng, bệnh tay chân miệng, sốt do nhiễm các loại siêu vi khác…
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý phụ huynh có thể căn cứ vào 2 dấu hiệu quan trọng để nhận biết sốt xuất huyết từ những ngày đầu: “Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột ngay từ đầu, chứ không phải là sốt nhẹ sau đó mới tăng dần như khi mắc các bệnh nhiễm siêu vi hay viêm họng. Ngoài ra, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh rất mệt mỏi, lừ đừ. Những sinh hoạt thường ngày như vui chơi, đọc sách báo, xem TV hầu như không thể thực hiện được. Còn những bệnh khác thì bệnh nhân vẫn giữ được ở mức bình thường”.
Ngoài ra, khi trẻ sốt vào ngày thứ 3 thì những dấu hiệu của sốt xuất huyết sẽ biểu hiện rõ ràng như bị xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu, đau bụng, đau nhức quanh hốc mắt, đau cơ, buồn nôn…
Các bác sĩ cũng ghi nhận tình trạng khi trẻ đã từng bị sốt xuất huyết nhưng khi bị mắc lại virus Dengue thì tình trạng bệnh dễ trở nặng hơn, dễ bị biến chứng của bệnh.
Bác sĩ cũng lưu ý, việc truyền dịch sớm khi bị sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe bệnh nhân, vì khi truyền dịch sẽ khiến bệnh nhân bị thất thoát huyết tương, gây phù nề, suy hô hấp. Khi bệnh nhân nôn ói nhiều, không ăn uống được thì nên đến cơ sở y tế để được điều trị, không nên tự ý truyền dịch tại nhà./.