Hôm nay (18/12), tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai dự án giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Bệnh viện Bạch Mai, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) và hen phế quản (HPQ) là hai bệnh hô hấp phổ biến nhất với tỷ lệ tàn phế và tử vong cao trong các bệnh hô hấp hiện nay. 

Những kết quả ban đầu trong nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,2% và tỷ lệ mắc Hen phế quản là 4,1%. Mặc dù y học đã có nhiều cố gắng trong chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của 2 bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1997, có khoảng 300 triệu người mắc BPTNMT và là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ 4. Theo dự đoán đến năm 2020, BPTNMT sẽ là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Ở Việt Nam, trong một nghiên cứu được tiến hành năm 2007 của Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy có 2,2% dân số >15 tuổi mắc BPTNMT.
thu_truong_xuyen_votf.jpg
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trước thực trạng đó, ngày 18/12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 2406/QĐ – TTg và Quyết định số 1208/QĐ – TTg ngày 4/9/2012, phê duyệt chính thức Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế giai đoạn 2012 – 2015, trong đó có nội dung Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Bộ Y tế đã phê duyệt quyết định số 45/QĐ-BYT phân công Bệnh viện Bạch Mai làm đơn vị đầu mối quản lý/thực hiện “Dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản”.

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Bộ Y tế đã chỉ đạo sát sao nhằm đạt được mục tiêu của dự án là nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bác sỹ trong công tác khám chữa bệnh Hô hấp, Nâng cao nhận thức đúng của nhân dân về BPTNMT, HPQ và các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới quản lý BPTN&MT trong toàn quốc, phấn đấu giảm tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và tử vong.

Bà Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ: Qua 5 năm thực hiện dự án, mặc dù gặp nhiều khó khăn, các đồng chí đã hoàn thành và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đã được xây dựng trên 45 tỉnh, thành trong toàn quốc, trải rộng khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Mỗi tỉnh có một đội ngũ cán bộ được đào tạo về chẩn đoán và điều trị 2 bệnh này. Những bệnh nhân mắc bệnh không phải chuyển lên tuyến trên, góp phần không nhỏ giúp giảm tải một phần tại các BV tuyến Trung ương. Nhiều bệnh nhân tại cộng đồng được phát hiện và được đưa vào điều trị, quản lý tại các Đơn vị quản lý tại địa phương theo đúng phác đồ chuẩn./.