Sáng 14/11, tại Hà Nội, Ban điều hành dự án phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản (Bệnh viện Bạch Mai) phối hợp với Hội Hô hấp Việt Nam tổ chức “Hội nghị khoa học hưởng ướng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu”. Tại đây, các chuyên gia cảnh báo: cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường và hút thuốc lá ngày càng tăng thì việc đốt rơm rạ ở miền Bắc và hiện tượng mù khô ở miền Nam đang làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gia tăng nhanh chóng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới. 

Tại nước ta, một nghiên cứu năm 2009 cho thấy, ít nhất 4,2% dân số mắc bệnh này. Còn theo nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế, tỷ lệ mắc bệnh phối tắc nghẽn mạn tính ở nước ta hiện nay chiếm gần 7% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp gần 4 lần nữ giới. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả việc hít phải khói thuốc một cách thụ động hoặc gặp ở người sống và làm việc trong môi trường khói bụi. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người hút thuốc ở nước ta vẫn cao và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chiều hướng gia tăng ở nước ta.

Giáo sư Ngỗ Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay, một tỷ lệ rất cao, có tới 70% số nam giới hút thuốc lá, thuốc lào. Đặc biệt, tạ những vùng trồng cây thuốc lá, thuốc lào, người dân hút thuốc từ rất sớm, trẻ em từ 5 đến 7 tuổi đã hút thuốc cùng bố mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm do động cơ đi-ê-zen, rồi những năm gần đây, người dân khi thu hoạch lúa xong, không mang rơm rạ về nhà cho trâu bò ăn như trước kia mà đốt ngay tại ruộng, khí CO2 bay hàng trăm km. Tại thành phố Hồ Chí Minh còn bị ảnh hưởng của tình trạng mù khô, làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xuất hiện sớm hơn, nặng hơn”.

phoi_hen_pdjh.jpg
Bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính gia tăng vào năm 2020.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012 có hơn 3 triệu người chết do bệnh phổi tắc nghẽn mạng tính, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu năm đó. Hơn 90% các ca tử vong xảy ra do bệnh phổi tắc nghẽn mạng tính là ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh này sẽ tăng từ 3 đến 4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020 bệnh phổi tắc nghẽn mạng tính sẽ là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ 3 trên thế giới.

Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu được chọn vào Thứ tư của tuần thứ 2 hoặc thứ 3 trong tháng 11 hàng năm với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về bệnh này và cải thiện chăm sóc bệnh nhân  trên toàn thế giới. Hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm nay, Bệnh viện Bạch Mai còn tổ chức khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào ngày 28/11 tới./.