Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay còn gọi là COPD) là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, người mắc bệnh này dễ dẫn đến viêm phổi, suy tim và dần dần tử vong. Số người mắc bệnh và tần suất tử vong đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng. Bệnh nhân thường đến các cơ sở y tế khám và chữa bệnh trong giai đoạn muộn, khi tình trạng tắc nghẽn đã nặng.
Để hỏi rõ về căn bệnh này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS, BS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Trung ương sẽ tư vấn về cách phòng chống bệnh COPD.
** PV: Xin bác sĩ cho biết tình hình mắc bệnh COPD ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
PGS TS Đinh Ngọc Sỹ:Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) biểu hiện bằng các triệu chứng khó thở thường xuyên, tăng dần và không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn và trở lại bình thường được. Quá trình diễn biến của bệnh lâu dài, là một bệnh thường gặp và ngày càng gia tăng trong cộng đồng.
Những triệu chứng như: ho, khạc đờm, khó thở…rất dễ làm cho chúng ta nhầm tưởng là bệnh viêm phế quản mạn tính thông thường hoặc hen suyễn. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có một diện mạo riêng và cần quan tâm một cách thích đáng.
Theo một cuộc điều tra toàn quốc năm 2007, tỷ lệ mắc bệnh phổi mãn tính ở nam giới chiếm 2,2%, đặc biệt ở những người trên 40 tuổi ở nam giới có hút thuốc lá thì tỷ lệ tăng gấp đôi, tức là 4,4%.
PV: Thưa bác sĩ, căn cứ vào những dấu hiệu nào để nhận biết bệnh COPD ngày càng tiến triển nặng?
PGS TS Đinh Ngọc Sỹ:Các dấu hiệu để nhận biết gồm: ho và khạc đờm mãn tính. Nếu so sánh ở hai người cùng tuổi, cùng làm việc nặng như nhau thì những người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ nhanh mệt hơn. Đây là biểu hiện đầu tiên nhưng lại không phải quá sớm, mà là rất muộn.
Quá trình ấy diễn biến tuần tiễn. Điều nguy hiểm là hàng năm, bệnh nhân thường bị vài đợt nặng lên, không thể kiểm soát được nữa và phải nhập viện. Khi vào viện điều trị một thời gian cảm thấy đỡ khó thở hơn nhưng một thời gian sau lại bị lại, những lần như thế người ta gọi là những đợt cấp hay những đợt bùng phát của bệnh.
Ba triệu chứng giúp người bệnh có thể nhận biết mình bị bệnh nặng gồm ho nhiều hơn, khạc đờm có mủ nhiều hơn, đờm biến màu xanh và khó thở nặng lên.
Một trong những nguyên tắc quan trọng đối với bệnh nhân là không nên để cho bệnh bùng phát, không để tiến triển nặng sẽ kéo dài cuộc sống người bệnh hơn.
PV: Làm thế nào để kiểm soát bệnh hiệu quả nhất mà không quá tốn kém, thưa bác sĩ?
PGS TS Đinh Ngọc Sỹ:Theo tôi, người bệnh cần phải hiểu về bệnh và tự kiểm soát mình, biết sử dụng thuốc một cách thông minh, khoa học, tuân thủ theo đúng chỉ dẫn.
Chỉ nói riêng về mặt kinh tế, người sử dụng thuốc điều trị dự phòng để đảm bảo vẫn sinh hoạt bình thường, tự sử dụng thuốc tại nhà, chỉ mất từ 300- 500.000 đồng/1 lọ thuốc. Nhưng nếu xảy ra một đợt cấp, phải vào viện thì chi phí sẽ rất lớn, gấp 10 lần hoặc 100 lần chi phí cho sử dụng thuốc dự phòng và có những người không thể quay lại cuộc sống bình thường được nữa.
PV: Xin bác sĩ cho biết các phòng bệnh đối với người chưa mắc bệnh và những người đã mắc bệnh?
PGS TS Đinh Ngọc Sỹ:Cách phòng bệnh là cả một vấn đề. Có mấy yếu tố chúng ta cần lưu ý đó là đối với những người bị bệnh phổi mạn tính nên giữ ổn định trọng lượng, không để tăng cân. Vì việc tăng cân sẽ làm cho tim, phổi hoạt động nhiều hơn.
Thông thường những người đã bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì tim sẽ bị ảnh hưởng. Nếu không kiểm soát được cân nặng sẽ làm cho bệnh phổi nặng dẫn đến suy tim và làm cho cuộc sống ngắn hơn.
Những người bị bệnh COPD cần tránh những đợt bị nhiễm khuẩn hô hấp bằng cách đi tiêm phòng ngừa bệnh cúm, cúm mùa đông, tiêm phòng những vi khuẩn hay gây bệnh cho những người đó.
Tuy nhiên, việc tiêm phòng đó cũng không thể áp dụng đại trà mà điều quan trọng là chúng ta phải giữ cho môi trường sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói bụi, khói thuốc lá. Tôi khẳng định, nếu ai đó muốn chữa khỏi bệnh thì phải từ bỏ thuốc lá.
Bên cạnh đó, chúng ta nên giữ ấm, tránh bị lạnh đột ngột và đặc biệt là phải vệ sinh răng miệng tốt. Vì những người già, thông thường răng không tốt lắm, vi khuẩn ở trên răng miệng dễ dàng xâm nhập vào phổi người bệnh. Tất cả những yếu tố đó nó làm cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bùng phát thành đợt bất cứ lúc nào.
Đối với những người chưa bị bệnh, cách phòng tránh tốt nhất là cách ly thuốc lá. Đấy là yếu tố đầu tiên, ngoài ra cần tránh xa những thứ khói bụi có hại, sinh hoạt điều độ và tập luyện thể thao để cho cơ thể khỏe mạnh.
PV: Xin bác sĩ hướng dẫn cách điều trị của thuốc dự phòng?
PGS TS Đinh Ngọc Sỹ:Như tôi đã nói ban đầu, chúng ta phải sử dụng thuốc một cách thông minh, khoa học và đều đặn.
Thông thường, chúng ta chỉ dụng thuốc dự phòng để không lên cơn nhưng khi nó lên cơn thuốc dự phòng đó không có tác dụng nữa thì phải có thuốc cắt cơn. Như vậy, khi nào dùng thuốc cắt cơn và khi nào dùng thuốc dự phòng thì phải có chỉ dẫn cụ thể để người bệnh biết cách sử dụng. Việc dùng thuốc qua đường hít đã giảm tác hại không mong muốn rất nhiều vì nó trực tiếp đi vào đường hô hấp, phổi sẽ hấp thụ trực tiếp mà không phải thông qua đường máu, đường uống.
PV: Thưa bác sĩ có rất nhiều bệnh nhân hiện đang sử dụng thuốc broncho vaxom. Vậy bác sĩ có thể cho biết điểm ưu việt của loại thuốc này?
PGS TS Đinh Ngọc Sỹ:Broncho vaxom là loại thuốc dự phòng, có tác dụng làm cho cơ thể có khả năng miễn dịch với một số vi khuẩn gây bệnh.
Theo quan điểm của chúng tôi, đây là loại thuốc dự phòng khá tốt, có cơ sở khoa học, thực tế đã được kiểm định và đã được sử dụng tại Việt Nam.
Ngay cả ở Mỹ, người ta đã chuyển thuốc dự phòng đó vào thức ăn để tạo ra kháng thể. Hội Lao bệnh phổi Việt Nam, các bệnh viện phía Bắc và phía Nam cũng đã sử dụng loại thuốc này theo sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Đối với cá nhân, tôi cũng đang cho các cháu nhỏ sử dụng loại thuốc broncho vaxom thấy rất tốt và khả năng mắc các đường hô hấp trên giảm đi đáng kể…/.