Sáng 8/1, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội nghị tổng kết dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản năm 2013.

Dự án phòng chống bệnh phổi mãn tính được Bộ Y tế giao cho bệnh viện Bạch Mai thực hiện từ năm 2011 trên địa bàn 25 tỉnh, thành phố trong cả nước.

benh-nhan-nam-tai-khoa-di-u.jpg
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Thu Thủy)

3 năm qua, dự án đã tổ chức khám sàng lọc được gần 37.800 người dân, phát hiện hơn 3.000 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và gần 1.400 hen phế quản; Triển khai đào tạo bác sĩ tại các địa phương tham gia dự án, hình thành 42 phòng quản lý đặt tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Lao và bệnh viện phổi địa phương. 

Báo cáo dự án cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chung là 4,2%, trong đó tỷ lệ mắc chủ yếu là nam giới. Độ lưu hành hen phế quản ở Việt Nam là 3,9%, trong đó ở trẻ em là 3,2% và ở người lớn là 4,3%.

Nguyên nhân do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, năm 2014 dự án sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại các tỉnh đã triển khai và mở rộng thêm một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn...

Ông Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Phó Trưởng ban thường trực ban điều hành dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản Trung ương cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đào tạo tập huấn tiếp tục nâng cao nâng lực của các thầy thuốc tham gia khám chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở các tỉnh, thành phố. Giám sát kiểm tra chặt chẽ kết hợp với các dự án để nâng cao tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trên cả nước”./.