Máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ảnh: Sputnik |
"Trong khi đó, Ukraine chỉ vì muốn làm hài lòng Mỹ, kể từ năm 1998 bắt đầu phá hủy các máy bay ném bom lớn nhất và mạnh nhất thế giới, mỗi chiếc có giá hàng trăm triệu USD", chuyên viên Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga phân tích các sự kiện liên quan đến việc phá hủy các máy bay Tu-160.
Các bài báo về nội dung này xuất hiện gần đây ở Trung Quốc đều lưu ý đến một khía cạnh mới trong quá trình Ukraine phá hủy các máy bay ném bom.
Trước đây người ta cho rằng, Nga là nước duy nhất thể hiện sự quan tâm đến các máy bay đó, nhưng vào những năm 1990, Nga thiếu tiền để mua những chiếc máy bay đắt tiền như vậy.
Vào năm 1998, Ukraine bắt đầu phá hủy các máy bay ném bom lớn nhất và mạnh nhất thế giới chỉ vì muốn làm hài lòng Mỹ. Tuy nhiên cuối cùng Nga vẫn có thể nhận được 8 chiếc máy bay từ Ukraine để đổi lấy các đợt cung cấp khí đốt. Vào đầu năm 2001, Ukraine đã thanh lý 11 máy bay ném bom còn lại. Một chiếc máy bay đã được chuyển giao cho viện bảo tàng và phần còn lại đã bị phá hủy.
Ukraine đã không nhận được một xu nào trong khi nếu chờ đợi 2-3 năm nữa khi Nga bắt đầu có nguồn thu khá cao thì các máy bay đó có thể được bán với mức giá cao nhất.
Việc phá hủy các máy bay ném bom Tu-160 là một trong những giai đoạn đáng xấu hổ nhất trong lịch sử hậu Xô Viết của Ukraine. Tình hình thực tế còn xấu hơn nữa bởi vì ngoài Nga còn có cả Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đến các máy bay ném bom này. Vào cuối những năm 1990 Bắc Kinh đã có trong tay một nguồn lực tài chính rất đáng kể. Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine đã mất khoản thu đáng kể do chính sách thân Mỹ của họ.
Điều thú vị là báo chí Trung Quốc xác nhận rằng, Bắc Kinh thể hiện sự quan tâm đến kết cấu máy bay Tu-160. Sự quan tâm này là dễ hiểu. Nếu Trung Quốc muốn tạo ra một máy bay ném bom có khả năng tấn công vào Hoa Kỳ, thì chiếc phi cơ như vậy phải là kết hợp cả tầm xa và hiệu suất rất cao. Để bay đến khu vực phóng tên lửa, máy bay ném bom của Trung Quốc phải đi qua chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, nơi có rất nhiều các mối đe dọa từ phía các máy bay chiến đấu và tàu chiến với hệ thống phòng không đang tuần tra vùng biển này. Tu-160 hoặc phiên bản nâng cấp của nó có thể giải quyết vấn đề đó.
Tuy nhiên cuối cùng Trung Quốc không thể thực hiện được giao dịch này với Ukraine. Đã từ lâu Nga không còn sản xuất máy bay Tu-160 và chỉ thực hiện các công việc sửa chữa và hiện đại hóa 16 máy bay hiện có.
Gần đây, Tu-160 đã được sử dụng để phóng tên lửa hành trình vào các vị trí của IS trong chiến dịch không kích của Nga tại Syria. Không quân Nga đánh giá khá cao loại máy bay này và có ý định nối lại quá trình sản xuất để có thêm 50 máy bay phiên bản nâng cấp TU-160M.
Trung Quốc và Nga đang xem xét về dự án chung thiết kế chế tạo máy bay ném bom tương lai giống với máy bay B-2 của Mỹ. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu loại máy bay như vậy có được đưa vào sản xuất hàng loạt hay không./.