Đầu tháng 10 Trung Quốc thử nghiệm một khí cầu mới dùng khí helium. Khí cầu Yuangmeng này của Trung Quốc có thể đạt tới độ cao cực lớn giúp chính phủ nước này có thêm năng lực theo dõi mới trên diện rộng. Yuangmeng có thể bay trên cao trong 48 tiếng đồng hồ. Theo báo điện tử Nhân dân Nhật báo (của Đảng Cộng sản Trung Quốc), khí cầu này được thử nghiệm trên bầu trời Xilinhot ở vùng Nội Mông vào hôm 6/10.
Khí cầu Yuangmeng. Ảnh: Popular Mechanics. |
Khí cầu này hoạt động thông qua việc kết hợp các khí nhẹ hơn không khí và điện. Khí helium nâng khí cầu lên độ cao của tầng bình lưu, trung lưu và nhiệt (19-100km). Một khi Yuanmeng lên tới độ cao này, các tấm pin mặt trời lắp trên bề mặt khí cầu sẽ cung cấp năng lượng điện cho các cánh quạt tạo lực đẩy cho khí cầu để đưa khí cầu vào vị trí.
Năng lượng mặt trời là lý tưởng cho các thiết bị bay không người lái cũng như các khí cầu vì nó làm giảm nhu cầu tiếp nhiên liệu bên trong, giảm kích thước tổng thể của khí cầu và giải phóng khí cầu khỏi nhu cầu mang theo nhiên liệu riêng.
Yuangmeng có dung tích 18.000m3. Khí cầu được trang bị thiết bị liên lạc và theo dõi, bao gồm liên lạc băng thông rộng, hệ thống kết nối dữ liệu số, camera theo dõi độ phân giải cao, và các công nghệ chụp ảnh không gian.
Nhân dân Nhật báo dè dặt cung cấp thông tin về khí cầu này. Nó chỉ nói, khí cầu có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ theo dõi tàu chiến nước ngoài, đặc biệt là tàu sân bay Mỹ, để cung cấp thông tin dò tìm mục tiêu theo giờ thực cho các tên lửa và máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
Yuangmeng sẽ nằm ở tuyến đầu của hệ thống săn lùng và tiêu diệt các mục tiêu trên Biển Đông. Cùng với dữ liệu từ vệ tinh, máy bay, tàu ngầm và phi cơ không người lái, khí cầu Yuangmeng sẽ giúp quân đội Trung Quốc có hình ảnh liên tục về các vùng biển.
Khí cầu rất mong manh nhưng lại lơ lửng ở độ cao cực lớn nên sẽ nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các tên lửa. Một tên lửa có khả năng vươn tới khí cầu này là tên lửa đánh chặn đạn đạo SM-3 Block IIA của Mỹ-Nhật. Hồi năm 2008, một phiên bản của tên lửa này đã phá hủy được vệ tinh USA-193, khi đó đang ở quỹ đạo 234km bên trên bề mặt Trái Đất./.