Mỹ đã trao cho Ukraine khoảng 200 quả tên lửa Stinger vào hôm 28/2. Đức cũng tuyên bố sẽ gửi khoảng 500 quả Stinger cho Ukraine. Hà Lan cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine 200 quả Stinger. Ngoài ra, Litva trước đó đã gửi một số tên lửa này cho Ukraine.

Vậy tên lửa Stinger có tính năng gì nổi bật?

FIM-92 Stinger là một tên lửa vác vai, có thể phóng từ hệ thống phòng không do một người mang. Tên lửa cũng có thể bắn từ nhiều vị trí khác nhau, bao gồm trên xe trên mặt đất, máy bay trực thăng, và lính không vận.

Tên lửa Stinger dài 1,52m với đường kính 70mm. Cánh của tên lửa này dài 100mm. Tên lửa nặng 10,1kg. Nếu tính thêm ống phóng và kính ngắm thì tên lửa có trọng lượng 15,2kg.

Stinger được sử dụng để ứng phó với các mối đe dọa ở cao độ thấp (từ 3.800m trở xuống) và có thể bắn các mục tiêu ở cự ly 4.800m. Tốc độ tối đa của tên lửa này là Mach 2.54 (750m/s). Một khi được phóng đi, đầu đạn sẽ tự nổ sau 17 giây nhờ vào đồng hồ hẹn tự nổ.

Hãng General Dynamics mua FIM-92 Stinger để cải thiện vũ khí FIM-43 Redeye 1967 của họ. Phiên bản vác vai được thử nghiệm lần đầu vào giữa năm 1975.

Lần đầu tiên FIM-92 Stinger được sử dụng trong cuộc chiến Falklands giữa Anh và Argentina vào năm 1982. Lính đặc nhiệm đường không của lục quân Anh đã dùng Stinger để bắn hạ một máy bay cường kích và một máy bay trực thăng của Argentina.

Trong cuộc chiến Afghanistan thời Liên Xô, các chiến binh "mujahideen" đã sử dụng Stinger để bắn hạ 269 máy bay.

Tên lửa Stinger cũng được dùng trong các cuộc chiến tranh và xung đột khác, bao gồm cuộc chiến tranh Chechnya, nội chiến Sri Lanka và nội chiến Syria.

Nhiều nước, bao gồm Ấn Độ, Đức, Israel, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, và Anh có sử dụng tên lửa Stinger./.