Saudi Arabia mua S-400, “ngầm” thừa nhận vai trò của Nga trong bình diện an ninh khu vực
Điện Kremlin xác nhận bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Saudi Arabia. Giới quan sát nhìn nhận động thái này có nghĩa rằng Riyadh-một khách hàng truyền thống của Mỹ, đang tìm nguồn cung vũ khí mới.
Nga gọi S-400 là "vô song". Ảnh: TASS |
Theo nhật báo tài chính Kommersant của Nga, hợp đồng mua bán vũ khí này có trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó, 2 tỷ USD để mua S-400. Thỏa thuận được ký kết sau khi Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud tới thăm Nga tuần trước. Đây là lần đầu tiên một Quốc vương Saudi Arabia tới thăm Nga.
Theo thỏa thuận, Saudi Arabia bên cạnh S-400 cũng mua thêm các tên lửa chống tăng Kornet-EM, các hệ thống TOS-1A, các bệ phóng tự động AGS-30 và súng trường AK-103 Kalashnikov- phiên bản xuất khẩu của tiểu liên AK-47 trứ danh.
Nhà phân tích chính trị Yury Pochta trả lời Đài phát thanh Sputnik cho rằng, hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Saudi Arabia đã nhen nhóm từ năm 2007 và 2012.
“Hợp tác Nga-Saudi Arabi thời điểm đó gặp khó khăn vì Saudi Arabia có liên hệ chặt chẽ với Mỹ trong rất nhiều năm trên cả lĩnh vực tài chính, kinh tế và cả các mối liên hệ chính trị”, ông Yury Pochta nói.
Giới phân tích nhận định việc Saudi Arabia quyết định “làm đa dạng hóa nguồn cung vũ khí” có thể được hiểu rằng nước này không thể phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Kể cả khi việc thực hiện thỏa thuận mua bán vũ khí với Nga gặp khó khăn, song đây là dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đã nhận thấy sự thay đổi trong bình diện an ninh khu vực và thế giới.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, Saudi Arabia cần hợp tác kỹ thuật-quân sự đa dạng hơn bởi vì vấn đề an ninh của nước này và tình hình tại các nước láng giềng giờ đây không chỉ phụ thuộc vào đồng minh truyền thống là Mỹ mà còn phụ thuộc cả vào Nga.
Nhà phân tích Yury Pochta cũng cho rằng: “Với Saudi Arabia, Nga được nhìn nhận có vai trò trung gian quan trọng trong các mối quan hệ, như với Iran, hay vai của Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Rõ ràng là Saudi Arabia cần phải nhìn lại tình hình và hợp tác với chỉ riêng Mỹ sẽ thực sự là nguy hiểm”.
Sự lợi hại của S-400 Triumph mà Nga vừa đưa tới Crimea
Nga chào bán S-400 khắp nơi
Nga đang chào hàng mạnh mẽ S-400- hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất trên thế giới hiện nay.
Trong chuyến thăm tới các nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chào hàng S-400 với minh chứng về việc hệ thống phòng thủ này hiện được triển khai ở Syria, để đảm bảo an ninh cho căn cứ quân sự Hmeymim và Tartus của Nga tại đây.
Ông Shoigu cũng cho biết thêm, hiện nhiều nước ở Trung Đông và Đông Nam Á đang quan tâm đến việc mua các tổ hợp S-400. Những cuộc đàm phán liên quan cũng đang được tiến hành.
Hiện tại chỉ có lực lượng vũ trang Nga được trang bị S-400. Moscow đang có kế hoạch cung cấp hệ thống này cho 4 nước là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Saudi Arabia. Trong đó, hợp đồng bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết cuối tháng 12/2017. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên thứ 2 trong NATO mua hệ thống phòng không của Nga. Trước đó, Hy Lạp là thành viên duy nhất trong NATO thúc đẩy hợp tác quân sự với Nga và đã mua hệ thống phòng không S-300 của Nga.
Cùng trong “chuyến chào hàng” tại Đông Nam Á, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã ký hợp động cung cấp 6 máy bay chiến đấu Su-30 cho Myanmar. Thông tin do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cung cấp đầu tuần này cho biết, những chiếc Su-30 này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng Không quân Myanmar.
Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO thứ 2 mua S400 của Nga
Bước đầu đánh tới thị trường Mỹ Latinh-Caribe
Tổng thống Nga Putin trong phát biểu ngày 23/1 cho biết giới doanh nghiệp Nga rất quan tâm tới các dự án tại Argentina, đồng thời chào mời quốc gia Nam Mỹ này mua động cơ tên lửa do Nga sản xuất.
Tổng thống Putin khẳng định lĩnh vực phát triển công nghệ không gian của Nga tiềm năng và rất cạnh tranh. “Nga đã cung cấp động cơ tên lửa cho rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, bất chấp việc Nga đang phải chịu rất nhiều hạn chế cấm vận”, ông Putin nói trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Argentina Mauricio Macri.
Theo nhà lãnh đạo Nga, lĩnh vực điện hạt nhân và thủy điện cũng là những lĩnh vực hợp tác song phương mạnh mẽ giữa 2 nước. Ông chủ Điện Kremlin nhắc lại cam kết phát triển hợp tác toàn diện quan hệ với các nước Mỹ Latinh và Caribe.
Phía Argentian khẳng định sẵn sàng làm cầu nối giúp Nga mở rộng quan hệ tại khu vực này./.
Tại sao Mỹ và NATO quyết “phá” Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga?