Máy bay ném bom Tu-160M2 sẽ được trang bị động cơ NK-32 đã được cải tiến vào cuối năm 2016, qua đó cho phép máy bay đạt độ cao tối đa hơn 18.200m và hoạt động ở tầng bình lưu Trái Đất.
Một nguồn tin thuộc ngành công nghiệp Nga cho biết: “Động cơ NK-32 phiên bản mới không chỉ đơn thuần là một động cơ phản lực máy bay thông thường, nó cũng được là một loại động cơ tên lửa. Nhờ đó Tu-160M2 có thể đạt độ cao mà không có một hệ thống phòng không nào có thể bắn tới”.
Chỉ huy Không quân Nga Viktor Bondarev cho biết, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch mua về khoảng 50 máy bay Tu-160M2. Máy bay này sẽ được cất cánh lần đầu tiên vào năm 2018 và sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2021.
Nga cũng đang nghiên cứu chế tạo thêm một loại máy bay ném bom thế hệ mới mang tên PAK-DA, tuy nhiên quá trình phát triển đang gặp một số vấn đề.
Ông Dmitry Litovkin, chuyên gia phân tích quân sự Nga nói rằng: “Bộ Tham mưu Không quân Nga đang cần một máy bay ném bom thay thế cho PAK-DA. Sẽ có nhiều oanh tạc cơ bị ngừng sử dụng trong tương lai và viêc chuẩn bị một phương án thay thế là cần thiết”.
Một nguồn tin cho biết, dự án này có thể sẽ là chương trình phát triển quân sự đắt tiền nhất của Nga trong thập niên 2020. Chi phí của nó sẽ ngang với dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, tức là vào khoảng 5 đến 7 tỉ USD.
Các chuyên gia quân sự cho biết, Tu-160M2 sẽ không chỉ đơn thuần là một oanh tạc cơ thông thường. “Máy bay này có thể sử dụng các loại tên lửa thường cũng như tên lửa hạt nhân, bao gồm các loại tên lửa tầm xa H-101 và H-555”, ông Pyotr Dainekin, cựu chỉ huy Không quân Nga cho biết. “Ngoài ra, Tu-160 có thể mang theo nhiều loại bom khác nhau, tối đa là khoảng 40 tấn”.
Ông Dainekin nhận định, máy bay Tu-160M2 có thể tấn công các mục tiêu đã định từ khoảng cách rất xa, ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không của đối phương.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga./.