AFPdẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa binh Quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 22/2 cho biết, việc buôn bán vũ khí trên toàn cầu đã tăng lên 14% trong giai đoạn từ 2011-2015 với vị trí dẫn đầu thuộc về Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI không tính đến cuộc xung đột tại Yemen, nơi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đang hậu thuẫn Chính phủ nước này chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.

f_35_uemq.jpg
Dù rất "đắt đỏ" nhưng siêu chiến đấu cơ F-35 vẫn bán được tới 600 chiếc. Ảnh Reuters

“Liên quân Arab đang tuồn rất nhiều vũ khí hiện đại có nguồn gốc từ Mỹ và châu Âu vào Yemen”, nhà nghiên cứu Pieter Wezeman thuộc SIPRI cho biết.

Vẫn theo báo cáo này, sự thống trị của Mỹ trong thị trường xuất khẩu vũ khí là do nước này đã bán số lượng lớn vũ khí đến rất nhiều quốc gia trên toàn cầu.

“Trong bối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực vẫn đang leo thang, Mỹ vẫn là nước cung cấp vũ khí lớn nhất toàn cầu với khoảng cách rõ rệt với nước đứng thứ 2”, ông Aude Fleurant, Giám đốc Chương trình Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI nhận định.

“Trong 5 năm qua (2011-2015), Mỹ đã bán vũ khí cho ít nhất 96 quốc gia và nền công nghiệp vũ khí của Mỹ vẫn đang thực hiện rất nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn, trong đó bao gồm hơn 600 chiếc siêu chiến đấu cơ F-35 Lightning II”, ông Fleurant nói. Đa phần số vũ khí của Mỹ (khoảng 41%) được chuyển đến Saudi Arabia và các nước Trung Đông khác.

“Bất chấp việc giá dầu giảm mạnh, những đơn hàng lớn vẫn sẽ tiếp tục được chuyển đến Trung Đông theo những hợp đồng đã được ký kết trong 5 năm từ 2011-2015”, nhà nghiên cứu Wezeman cho biết.

Vị trí thứ 2 vẫn thuộc về Nga với thị phần xuất khẩu toàn cầu tăng thêm 3% lên 25% dù mức độ gia tăng đã giảm trong 2 năm 2014-2015 cùng thời điểm Nga phải nhận các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Hầu hết số vũ khí mà Nga xuất khẩu được chuyển đến Ấn Độ.

Trong khi nhu cầu về vũ khí tăng mạnh tại châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông trong cả 2 giai đoạn từ 2006-2010 và 2011-2015, nhu cầu vũ khí tại châu Âu giảm mạnh và tại châu Mỹ cũng sụt giảm nhưng không đáng kể.

Trung Quốc đã “nhảy qua” Pháp và Đức để giành lấy vị trí thứ 3 mà 2 nước này nắm giữ trong 8 năm qua với số lượng vũ khí xuất khẩu tăng tới 88%. Hầu hết số vũ khí mà Trung Quốc xuất khẩu là đến các quốc gia châu Á, trong đó, Pakistan là nước nhập khẩu vũ khí quan trọng nhất.

Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới chiếm 14% số lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn cầu, gấp đôi nước thứ 2 là Saudi Arabia và gấp 3 lần Trung Quốc./.