Doanh số bán hàng của ngành công nghiệp vũ khí Nga đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, doanh số bán hàng của các công ty sản xuất vũ khí Nga vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng trong năm 2014.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), số lượng các công ty Nga nằm trong top 100 công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới đã tăng từ 9 lên 11 công ty.
Các công ty sản xuất vũ khí của Nga có sự tăng trưởng về doanh thu đáng kể nhất là Uralvagonzavod (sản xuất xe tăng T-90 và T-72) với mức tăng 72,5%, Almaz-Antey (công ty sản xuất hệ thống tên lửa phòng không nổi tiếng S-400) tăng trưởng 23% và hiện đang đứng ở vị trí thứ 11 trong 100 công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Trang mạng RBTH đã liệt kê 5 loại vũ khí Nga đang có nhu cầu trên toàn thế giới, góp phần tăng thị phần xuất khẩu quốc phòng của Nga.
Tàu ngầm lớp Kilo
Tàu ngầm lớp Kilo mang tên Varshavyanka của hải quân Nga. Ảnh: Ria Novosti |
Tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo là một trong những tàu ngầm được đánh giá là vận hành êm ái nhất. Nó có khả năng mang các loại vũ khí tối tân gồm tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
Tác giả David Isenberg viết trên Asia Times rằng, "khả năng đặc biệt của các tàu ngầm Nga cũng như các vũ khí mạnh mẽ của nó là hai tiêu chí có sức hấp dẫn lớn đối với khách hàng nước ngoài. Trong các trận chiến mô phỏng dưới đại dương, tàu ngầm lớp Kilo của Nga luôn chiến thắng trước các đối thủ là tàu ngầm của Đức, Pháp và Hà Lan".
Trong cuộc tập trận giả định tháng 10/2015, tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ đã “đánh chìm” tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ.
Cũng như Ấn Độ, tàu ngầm lớp Kilo cũng được Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc quan tâm. Một quốc gia khác cũng có nhu cầu mua tàu ngầm chạy bằng diesel-điện của Nga là Bangladesh.
Ban đầu nước này có ý định mua tàu ngầm của Trung Quốc nhưng Ấn Độ - nước đang vận hành 10 tàu ngầm lớp Kilo - đã thuyết phục Dhaka mua tàu ngầm của Nga để thay thế. Trang Defense Radar thông tin rằng Bangladesh đã đề nghị mua 2 chiếc tàu ngầm từ Nga.
Hệ thống tên lửa S-300
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300. Ảnh: Ria Novosti |
S-300 là một hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa có thể bắn hạ máy bay, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương. Được thiết kế bởi công ty Almaz-Antey, S-300 có khả năng nhắm mục tiêu tới 6 máy bay cùng lúc với 12 tên lửa mỗi mục tiêu. Nó có thể tạo ra một vùng cấm bay hiệu quả đối với máy bay địch trong bán kính 300 km.
Iran hiện là khách hàng mới nhất của hệ thống vũ khí đáng sợ này. Sau nhiều năm trì hoãn, Moscow cuối cùng đã chấp thuận thương vụ này. Một mạng lưới phòng không gồm hệ thống S-300 kết hợp với tên lửa phòng không tầm ngắn và máy bay tiêm kích đánh chặn sẽ khiến cho việc xâm nhập không phận Iran sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Israel hoặc Mỹ.
Khả năng của S-300 cũng là lý do lý giải tại sao Tehran tìm mọi cách để có thể sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến này khi Moscow ngừng chuyển giao cho Iran theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Iran thậm chí còn đe dọa sẽ kiện Nga vi phạm hợp đồng. Đây được cho là một động thái “thông minh” của Nga bởi giờ Nga có quyền bán cho Iran hệ thống S-300 với số lượng mà Iran mong muốn một cách hoàn toàn hợp pháp.
Theo SIPRI, trong giai đoạn từ năm 1995 - 2005, hơn 70% vũ khí mà Iran nhập khẩu đến từ Nga. Mặc dù trong thời gian này, vũ khí mà Iran nhập khẩu từ Nga ít hơn rất nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ nhưng đây vẫn là khách hàng lớn thứ 3 của Nga. Ngoài ra, với việc mối quan hệ giữa hai bên đang được cải thiện, S-300 được cho là loại vũ khí có số lượng xuất khẩu hàng đầu từ Nga sang Iran.
Bên cạnh đó, Iraq, Libya, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là cũng đang quan tâm đến việc mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến của Nga.
Chiến đấu cơ đa nhiệm Mig-35
Chiến đấu cơ đa nhiệm Mig-35. Ảnh: migavia.ru |
Mig-35, chiếc máy bay được trưng bày trong cuộc thi về các loại máy bay chiến đấu đa nhiệm ở Ấn Độ năm 2015 được cho là sẽ sớm xuất hiện trên bầu trời Ai Cập. Hiện Moscow và Cairo được cho là đang thảo luận về một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD, theo đó Nga sẽ chuyển giao từ 46-62 chiến đấu cơ MiG-35 cho Ai Cập.
Mig-35 lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm hàng không ở Bangalore, Ấn Độ năm 2007. Nó được thiết kế như một chiến đấu cơ đa chức năng với khả năng hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ không đối không và tấn công chính xác vào các mục tiêu mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết.
Phiên bản xuất khẩu của Mig-35 sẽ được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) Zhuk-AE và tương thích với các hệ thống vũ khí của Nga và phương Tây.
Trong khi những người không thích nói rằng, Mig-35 thực chất chỉ là một chiếc Mig-29 trong “bộ cánh” mới. Tuy nhiên trên thực tế, Mig-35 được cải tiến khá nhiều (hơn 30%) và có thể xếp nó như là một máy bay chiến đấu thế hệ 4 ++.
Nếu vụ mua bán này được thông qua, đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược đánh dấu sự trở lại của Nga ở khu vực trung tâm của Trung Đông sau 40 năm.
Trực thăng tấn công
Trực thăng chiến đấu Kamov Ka-52 Alligator. |
Nếu xét rằng Sikorsky - người phát minh ra máy bay trực thăng được sinh ra ở Nga thì không có gì ngạc nhiên khi trực thăng của Nga được các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới ưa chuộng.
Iraq - một khách hàng lớn của Nga hiện đã nhận được chiếc đầu tiên trong bốn chiếc trực thăng chiến đấu Mi-35 vào cuối năm 2013. Iraq cũng đã bắt đầu thanh toán cho việc mua 30 trực thăng tấn công Mi-28 và 50 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir- S1.
Các hợp đồng với Iraq là một chiến thắng của Nga xét trong bối cảnh Baghdad hiện đang ở dưới tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ. Thực tế, một thỏa thuận mua tiêm kích đánh chặn MiG-29 giữa Iraq và Nga đã bị hủy bỏ có lẽ bởi áp lực của Mỹ.
Ai Cập hiện cũng đã ký hợp đồng với nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Nga là Rosoboronexport để mua 50 trực thăng chiến đấu Kamov Ka-52 Alligator. Một số máy bay trực thăng của Ai Cập là phiên bản Ka-52k Katran được công bố hồi đầu năm nay.
Saudi Arabia - nước đang cần sự hỗ trợ của quân đội Ai Cập ở Yemen được cho là tài trợ để Ai Cập mua vũ khí.
Siêu tăng T-90
Siêu tăng T-90. |
T-90 còn được gọi là “Xe tăng bay” không phải bởi lý do theo nghĩa đen là nó bay được mà là nó nhẹ hơn so với bất kỳ chiếc xe tăng phương Tây nào và có tốc độ nhanh đáng kinh ngạc so với các loại xe tăng chiến đấu chủ lực. Lớp giáp của T-90 đủ dày để chịu được tên lửa chống tăng.
T-90 được trang bị một khẩu pháo nòng trơn 125mm có thể bắn đạn chống tăng và tên lửa điều khiển.
Hiện quân đội Nga là khách hàng chính của loại tăng này. Khách hàng nước ngoài lớn nhất mua tăng T-90 là quân đội Ấn Độ. Nươc này có kế hoạch mua hơn 1.600 xe tăng T-90 và nó sẽ được sử dụng trong điều kiện bụi và cái nóng của sa mạc Rajasthan.
Các khách hàng khác bao gồm Algeria (hiện đang sở hữu 350 xe tăng loại này và dự định sẽ mua thêm 200 chiếc nữa), Uganda, Syria, Azerbaijan và Turkmenistan. Bên cạnh đó, những khách hàng tiềm năng muốn có tăng T-90 gồm Síp, Peru, Venezuela, Việt Nam./.